Tin tức, Pháp luật, 03/12/2022 22 lượt xem

Hội thảo “Thảo luận, đóng góp ý kiến hoàn thiện Đề án truyền thông nhiệm kỳ III của Liên đoàn Luật sư Việt Nam”

(LSVN) – Trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật tại Việt Nam”, do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, sáng ngày 01/12/2022, Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức Hội thảo “Thảo luận, đóng góp ý kiến hoàn thiện Đề án truyền thông nhiệm kỳ III của Liên đoàn Luật sư Việt Nam”.

 

 

Toàn cảnh Hội thảo.

Tham dự Hội thảo, về phía Liên đoàn Luật sư Việt Nam có: Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Cơ quan Truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư Trương Xuân Tám, Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát và hỗ trợ Luật sư; Luật sư Diệp Thị Hoài Nam, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng pháp luật và trợ giúp pháp lý; Luật sư Trần Văn An, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp ứng xử Luật sư Việt Nam; Thạc sĩ Đặng Ngọc Luyến, Tổng Biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam; cùng đại diện các ủy ban, đơn vị trực thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các Luật sư trong Ban Chủ nhiệm, Luật sư thành viên của Đoàn Luật sư các tỉnh, thành phố.

Về phía Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) có ông Tsukahara Masanori, Chuyên gia dài hạn Dự án JICA tại Việt Nam.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Cơ quan Truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Cơ quan Truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết: Cơ quan Truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam được thành lập sau Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III, với chức năng truyền thông về Luật sư, nghề Luật sư và tổ chức xã hội – nghề nghiệp Luật sư, về những đóng góp của Luật sư đối với Nhà nước và xã hội. Đồng thời, phối hợp tốt với các cơ quan, tổ chức truyền thông khác để quảng bá, truyền thông về Luật sư và nghề Luật sư, đóng góp xây dựng đội ngũ Luật sư và nghề Luật sư phát triển vững chắc, đúng hướng.

Trên cơ sở Kế hoạch hoạt động năm 2022 của Cơ quan truyền thông được ban hành kèm theo Quyết định số 134/BTV ngày 11/7/2022 của Ban Thường vụ, Cơ quan truyền thông đã thực hiện được một số hoạt động nổi bật, cụ thể như:

– Công tác thiết lập quan hệ với các cơ quan truyền thông trực thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các cơ quan báo chí, truyền thông của các tổ chức khác;

– Định hướng, giám sát, đánh giá hoạt động báo chí, xuất bản, truyền thông của Tạp chí Luật sư Việt Nam;

– Hợp tác với một số cơ quan báo chí để quảng bá hình ảnh của giới Luật sư và các hoạt động của Liên đoàn Luật sư Việt Nam;

– Cơ quan truyền thông thực hiện/phối hợp thực hiện một số hoạt động tuyên truyền pháp luật, xây dựng hình ảnh Luật sư;

– Thay đổi giao diện trang thông tin điện tử Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Luật sư Hậu cho biết, Đề án truyền thông của Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhiệm kỳ III được xây dựng trên cơ sở thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhiệm kỳ III. Với mục tiêu:

– Nâng cao nhận thức của nhà nước và cộng đồng xã hội về các nghĩa vụ cao quý của nghề Luật sư trong việc bảo vệ các quyền và nghĩa vụ hợp pháp của công dân, góp phần vào bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế và đóng góp vào quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

– Nâng cao niềm tự hào nghề nghiệp của Luật sư bằng việc truyền tải các tiêu chuẩn đạo đức, giá trị nghề nghiệp và trách nhiệm cá nhân đối với cộng đồng cũng như niềm tin vào những hoạt động và công việc có ích của Luật sư với xã hội.

– Nâng cao trách nhiệm của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng hành nghề, phổ biến Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư, bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của Luật sư.

– Xác định đúng vị trí, vai trò của Liên đoàn Luật sư Việt Nam với chức năng đại diện, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các Đoàn Luật sư, Luật sư thành viên; thực hiện quyền tự quản; xây dựng giá trị chuẩn mực của Luật sư Việt Nam; xây dựng đội ngũ Luật sư có phẩm chất, đạo đức và kỹ năng đáp ứng nhu cầu của xã hội, đóng góp vào cải cách tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đề án truyền thông của Liên đoàn Luật sư Việt Nam tập trung vào việc đẩy mạnh truyền thông và phản ánh kịp thời, trung thực chính xác các sự kiện và các vấn đề pháp lý, thể hiện vai trò của Luật sư, nghề Luật sư và những đóng góp của giới Luật sư trong tiến trình phát triển của xã hội. Để từ đó, tạo lập sự tin tưởng, tôn trọng và tin cậy của đội ngũ hành nghề Luật sư vào Liên đoàn là tổ chức đại diện bảo vệ quyền lợi của Luật sư hiệu quả, được nhà nước, xã hội và thế giới công nhận là một nghề phục vụ lợi ích cộng đồng, bảo vệ công lý và công bằng xã hội; xây dựng hình ảnh uy tín và danh tiếng tốt đẹp về Luật sư, nghề Luật sư trong xã hội.

“Hy vọng rằng, Hội thảo này sẽ được mọi người thảo luận, phân tích, đóng góp ý kiến để giúp Liên đoàn Luật sư Việt Nam hoàn thiện, xây dựng Đề án truyền thông nhiệm kỳ III của Liên đoàn”, Luật sư Hậu nhấn mạnh.

Thạc sĩ Đặng Ngọc Luyến, Tổng Biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam trình bày về dự thảo Đề án truyền thông nhiệm kỳ III của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Tiếp đó, Thạc sĩ Đặng Ngọc Luyến, Tổng Biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam đã trình bày dự thảo Đề án truyền thông nhiệm kỳ III của Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Trong đó, có Kế hoạch hoạt động truyền thông năm 2023 tập trung vào những công việc cụ thể:

– Tham gia xây dựng pháp luật, tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật: Các dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội cần được truyền thông;

– Xây dựng hình ảnh tích cực, nâng cao nhận thức và ghi dấu ấn tốt đẹp của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong cộng đồng Luật sư và trong xã hội, nâng cao vị thế của Liên đoàn Luật sư Việt Nam đối với các cơ quan nhà nước và nhân dân;

– Sắp xếp công tác tổ chức truyền thông;

– Xây dựng, hoàn thiện đầu mối liên lạc với các cơ quan báo chí.

Ngoài ra, dự thảo Đề án truyền thông nhiệm kỳ III của Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng nêu rõ Kế hoạch hoạt động truyền thông của từng năm tiếp theo.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Tsukahara Masanori, Chuyên gia Dự án JICA cho biết về các hoạt động truyền thông cụ thể của Liên đoàn Luật sư Nhật Bản và các Đoàn Luật sư Nhật bản. Trong đó, Liên đoàn Luật sư Nhật Bản đã có những hoạt động truyền thông cụ thể bằng website như: Tài liệu được công bố cho công dân, Báo Liên đoàn Luật sư Nhật bản, Sách “Tự do và chính nghĩa”, phương hướng tiến hành hoạt động của Liên đoàn, các tuyên bố hành động để bào vệ quyền con người, đại hội định kỳ và bất thường, tuyên bố của Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Nhật Bản và ý kiến của Liên đoàn Luật sư Nhận Bản, văn bản ý kiến, vụ việc đề nghị bảo vệ quyền con người thông qua việc ban hành cảnh cáo, đề nghị, yêu cầu,…

Ngoài ra, về hoạt động truyền thông cụ thể của các Đoàn Luật sư Nhật Bản, ông Tsukahara Masanori cho biết, mỗi Đoàn Luật sư tự do quyết định về các hoạt động truyền thông cụ thể như: Tư vấn pháp luật miễn phí; hội thảo cho công dân; bài giảng về Hiến pháp cho công dân,…

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày các tham luận, đưa ra các ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện dự thảo Đề án truyền thông nhiệm kỳ III của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

 

Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh (thứ hai phải sang), Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề xuất các ý kiến tại Hội thảo cần tập trung thảo luận, làm rõ những vấn đề liên quan đến đề án, công tác truyền thông thời gian qua, những biện pháp nâng cao công tác truyền thông trong thời gian tới, tham khảo kinh nghiệm quốc tế…

Luật sư Liêu Chí Trung, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Góp ý tại Hội thảo, Luật sư Liêu Chí Trung, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam đề xuất cần dành nhiều hơn nữa sự quan tâm đối với công tác truyền thông, đặc biệt là hoàn thiện Đề án truyền thông; đầu tư, chú trọng hơn nữa đối với hoạt động của các trang thông tin của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, như Tạp chí Luật sư Việt Nam, trang website,…; đồng thời, thu thập, lưu trữ các tài liệu liên quan đến Luật sư để hướng đến thành lập bảo tàng Luật sư, và trước mắt là phòng truyền thồng Luật sư.

Đóng góp ý kiến vào Đề án tại Hội thảo, các Luật sư đã tập trung làm rõ những vấn đề chủ yếu, như hoạt động của các Đoàn Luật sư, theo Luật sư Lê Đăng Tùng, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đề xuất, trong quá trình thực hiện truyền thông, cơ quan truyền thông cần quan tâm hơn nữa hoạt động của các Đoàn Luật sư.

Luật sư, Nhà báo Ngô Tất Hữu kiến nghị cần tăng cường phối hợp tuyên truyền hơn nữa về Ngày Truyền thống Luật sư Việt Nam 10/10 để người dân ai cũng có thể biết đến và người Luật sư tự hào về nghề nghiệp của mình. 

Luật sư Trương Xuân Tám cũng cho rằng, cần chú ý đến công tác phối hợp, truyền thông hoạt động của Luật sư tại các phiên tòa. Đồng thời, xây dựng một hệ thống cộng tác viên vững mạnh để kịp thời đưa tin các hoạt động của Luật sư ở các địa phương.

Về công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn về báo chí đối với Luật sư, Luật sư Phạm Văn Đàm, Trưởng Ban Truyền thông, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, hoạt động truyền thông này là rất cần thiết trong thời kì hiện nay. Cần xây dựng cơ cấu, quy chế tổ chức hoạt đông của bộ máy cơ quan chuyên trách của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, phát triển công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn về báo chí đối với Luật sư, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả của công tác truyền thông.

Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam phát biểu ý kiến.

Đóng góp ý kiến vào Đề án, Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh cho rằng, cần bổ sung, làm rõ thêm kế hoạch hành động, một trong những nội dung quan trọng trong Đề án. Tăng cường công tác chuyên môn của hoạt động truyền thông, đầu tư kinh phí cho hoạt đồng này.

Luật sư Trần Văn An, Trưởng Ban Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư nêu quan điểm, mục tiêu cuối cùng của truyền thông là góp phần xây dựng nghề Luật sư phát triển tốt đẹp hơn. Do đó, Đề án cần xác định rõ các công cụ, phương tiện truyền thông; làm rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của các Đoàn Luật sư và các Luật sư trong công tác này để nhằm nâng cao hình ảnh, vai trò người Luật sư.

Thay mặt Ban Tổ chức, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ nhiệm cơ quan truyền thông, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, cơ quan truyền thông sẽ tiếp thu các ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện đề án trong thời gian tới.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam đánh giá công tác truyền thông của Liên đoàn là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Liên đoàn. Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị cơ quan truyền thông tiếp thu các ý kiến đóng góp và hoàn thiện Đề án trong thời gian tới để tổ chức thực hiện. Đồng thời, đề nghị cơ quan truyền thông cụ thể hóa hơn về công tác tổ chức, xây dựng đội ngũ cộng tác viên. Bên cạnh đó, cần phối hợp tốt hơn giữa cơ quan truyền thông với các ủy ban thuộc Liên đoàn; tổng kết, đánh giá các kết quả đạt được theo từng năm, từ đó xem xét sửa đổi, bổ sung Đề án cho phù hợp.

HOÀI THƯƠNG – LÂM HOÀNG

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • Trang chủ
  • Phone
  • Mail
  • Messenger
  • Zalo