Sáng 13/10, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đã chủ trì Hội đồng thẩm định Chương trình khung đào tạo nghề luật sư theo hệ thống tín chỉ.
Tham dự Hội đồng thẩm định có bà Đặng Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Ủy viên phản biện 1; ông Lê Cao Long, Ủy ban đào tạo Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Ủy viên phản biện 2; ông Nguyễn Đỗ Kiên, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy viên; ông Nguyễn Xuân Thu Giám đốc Học viện Tư pháp, Ủy viên.
Báo cáo tại Hội đồng, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp Nguyễn Minh Hằng cho biết, Chương trình khung đào tạo nghề luật sư theo hệ thống tín chỉ được Học viện Tư pháp xây dựng nhằm cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng; có kiến thức, kỹ năng hành nghề trong các lĩnh vực tranh tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng, tham gia giải quyết tranh chấp ngoài tòa án và cung cấp dịch vụ pháp lý khác; có phẩm chất đạo đức và ứng xử nghề nghiệp; tạo nền tảng căn bản cho sự phát triển tư duy sáng tạo, linh hoạt của người học góp phần phát triển đội ngũ luật sư đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Cải cách tư pháp, cách mạng Công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế.
Với định hướng phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của người học, cung cấp những kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất mà một người luật sư mới hành nghề cần có, chương trình xác định chuẩn đầu ra ở mức vận dụng, thực hiện được. Về nội dung, Chương trình khung đã thiết kế thành hai học phần là bắt buộc và tự chọn với tổng số tín chỉ phải tích lũy là 36. Để chương trình đào tạo được triển khai một cách hiệu quả, Học viện Tư pháp sẽ tiếp tục áp dụng các phương pháp dạy học tích cực. Các phương pháp giảng dạy tích cực được tiếp tục áp dụng như Thuyết giảng; giảng dạy dựa trên vấn đề; giảng dạy thông qua tình huống; giảng dạy theo kiểu truy vấn; phương pháp học trải nghiệm…
Bên cạnh phương pháp giảng dạy tích cực, các kỹ thuật hỗ trợ như làm việc nhóm, đàm thoại, đóng vai, động não, thuyết trình nhóm….sẽ được áp dụng nhằm phát huy tối đa hiệu quả của phương pháp giảng dạy. Sau khi Chương trình khung được ban hành, Học viện Tư pháp sẽ triển khai xây dựng Chương trình chi tiết và chương trình các môn học cho từng môn học, đồng thời sẽ rà soát, bổ sung các hồ sơ cập nhật các vụ án mới, điển hình bảo đảm tính thời sự, xây dựng tình huống điển hình, hệ thống học liệu điện tử như bài giảng điện tử, số hóa các giáo trình, hồ sơ, tình huống điển hình để bảo đảm triển khai chương trình đào tạo đạt chất lượng, hiệu quả cao.
Sau khi lắng nghe ý kiến của Hội đồng, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Hội đồng đánh giá cao cách làm, phương pháp xây dựng Chương trình, trong đó chú trọng hoạt động khảo sát thực tiễn hành nghề luật sư cũng như thực tiễn đào tạo tại Học viện Tư pháp và một số cơ sở đào tạo khác. Nội dung khung Chương trình đào tạo đầy đủ nội dung cấu thành theo quy định của pháp luật, đảm bảo tính liên thông, cơ bản phù hợp với yêu cầu hành nghề của luật sư.
Dự thảo Chương trình đã cập nhật những nội dung cần thiết đối với luật sư, khắc phục những điểm hạn chế, bất cập trên thực tiễn; thiết kế hệ thống tính tín chỉ đảm bảo tính chủ động cho học viên, đảm bảo tính liên thông giữa các chương trình đào tạo. Thứ trưởng đề nghị tiếp tục rà soát, xác định chính xác mục tiêu đào tạo phù hợp với yêu cầu hành nghề luật sư trong những năm đầu sau khi được cấp chứng chỉ, giấy phép hành nghề; xác định cụ thể, chính xác chuẩn đầu ra xây dựng Chương trình về kiến thức, kỹ năng.
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu yêu cầu bổ sung thêm nội dung xác định rõ điều kiện tốt nghiệp khoá học; lưu ý cách tính tín chỉ cụ thể, rõ ràng hơn; bổ sung hoàn chỉnh thêm mục tiêu đào tạo; điều kiện tốt nghiệp và chứng chỉ được cấp; chỉnh lý một số nội dung để tạo cơ sở ban đầu đảm bảo tính liên thông với các Chương trình đào tạo, đặc biệt là trong lĩnh vực luật sư với các nghề tư pháp khác.