Chưa được phân loại, 07/11/2022 5 lượt xem

PHIÊN TÒA ĐẦY NHÂN ÁI

Buổi chiều ngày 06/9/2012 tại Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội, tôi được tham dự phiên tòa sơ thẩm do Thẩm phán Phạm Thị Thu Hà làm chủ tọa. Đó là phiên tòa dân sự về việc “đòi quyền sử dụng đất ” giữa nguyên đơn do anh Nguyễn Đức Lợi làm đại diện và bị đơn là 2 vợ chồng chị Nguyễn Thị Thanh và anh Nguyễn Văn Tỵ. Anh Lợi và chị Thanh là hai chị em ruột, họ kiện nhau ra tòa nguyên nhân vì anh Lợi (là đại diện cho những người đã đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của thửa đất 246m2 tại xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội) kiện đòi chị Thanh trả lại phần diện tích đất (nằm trong thửa đất 246m2 nói trên) hiện chị Thanh và anh Tỵ đang chiếm giữ.

Từ các chứng cứ trong hồ sơ của vụ việc này thì theo suy nghĩ của tôi (một Người tập sự hành nghề luật sư) khả năng anh Lợi sẽ thắng trong vụ kiện này (các chứng cứ có lợi cho vợ chồng chị Thanh là không có và vợ chồng chị Thanh lại tự bảo vệ trước tòa không có luật sư hay người hiểu biết pháp luật giúp đỡ).

Sau khi Hội đồng xét xử hoàn thành một số các thủ tục bắt đầu phiên tòa. Luật sư Lê Đăng Tùng đã thay mặt Nguyên đơn trình bày lý do khởi kiện, đơn khởi kiện với nội dung chính là anh Lợi đòi chị Thanh trả lại toàn bộ diện tích đất hiện vợ chồng chị Thanh đang chiếm giữ. Trả lời câu hỏi của Thẩm phán chủ tọa về yêu cầu khởi kiện của anh Lợi, chị Thanh đã quả quyết không đồng ý, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh Lợi. Không khí trong phiên tòa lúc đó rất căng thẳng vì anh Lợi giữ nguyên quan điểm như Luật sư trình bày. Hai bên Nguyên đơn và Bị đơn còn quay ra cãi nhau trước Tòa án.

(Ảnh các đương sự)

Chuyển sang phần hỏi, Thẩm phán chủ tọa mời anh Lợi đứng dậy nhưng không hỏi ngay mà lại bắt đầu bằng những câu nói rất nhẹ nhàng, chỉ ra cho anh Lợi thấy người anh Lợi đang kiện chính là chị ruột của anh và dù thế nào đi nữa thì hai bên đương sự cũng là chị em ruột. Lúc đầu, anh Lợi tiếp tục giữ nguyên yêu cầu khởi kiện của anh. Nhưng bằng những lời lẽ rất thuyết phục và nhẹ nhàng, Thẩm phán chủ tọa đã thuyết phục được anh Lợi từ chỗ kiên quyết kiện đòi lại đất quay ra đề nghị thỏa thuận nếu chị Thanh đồng ý sẽ để lại cho chị Thanh 30m2 đất và ngoài ra còn hỗ trợ thêm 50 triệu đồng. Lúc này cánh cửa của phiên hòa giải tại tòa đã bắt đầu được Thẩm phán chủ tọa mở ra. Tiếp tục bằng sự dẫn dắt, lý luận tài tình Thẩm phán chủ tọa đã làm anh Lợi tiếp tục “mở lòng” với chị mình bằng việc nâng mức tiền đưa hỗ trợ thêm thành 100 triệu đồng. Vậy là bên Nguyên đơn đã bắt đầu rộng lòng để đạt được thỏa thuận, Thẩm phán chủ tọa quay sang hỏi các Bị đơn là anh Tỵ và chị Thanh có đồng ý với đề nghị của anh Lợi không, anh Tỵ đã đồng ý còn chị Thanh vẫn kiên quyết không đồng ý. Thẩm phán chủ tọa lại tiếp tục dùng lời lẽ, lý luận nhưng lần này rất cương quyết chỉ ra cho chị Thanh thấy, việc chị Thanh không suy nghĩ mà đã không đồng ý với đề nghị của anh Lợi là điều không nên làm vì giữa hai bên là mối quan hệ ruột thịt. Thẩm phán chủ tọa còn dùng lý luận chỉ ra cho chị Thanh phải tự nhận thức được là sự việc đang được Tòa án thụ lý nếu không đạt được sự thỏa thuận giữa các bên thì Tòa án sẽ phân xử theo pháp luật. Những điều Thẩm phán chủ tọa nói đã khiến cho chị Thanh thay đổi suy nghĩ, sau đó chị Thanh cũng đưa ra đề nghị để thỏa thuận là chỉ chấp nhận khi nhận được 30m2 và được nhận hỗ trợ thêm 200 triệu. Lúc này cánh cửa của phiên hòa giải đã được Thẩm phán chủ tọa mở toang.

Sau khi đạt được thỏa thuận ban đầu là các bên Nguyên đơn và Bị đơn đều đã đưa ra đề nghị để thỏa thuận thì phiên hòa giải lại gặp khó khăn khi cả hai bên dứt khoát giữ nguyên đề nghị của mình không thay đổi .Bên Bị đơn Chị Thanh còn có thái độ,hành động không hợp tác với bên nguyên đơn, không phù hợp với vị trí của chị tại Tòa án.

Lúc này, Hội thẩm nhân dân Ông Nguyễn Văn Lý đã yêu cầu chị Thanh đứng dậy. Việc đầu tiên Hội thẩm nhân dân nhắc nhở nghiêm khắc chị Thanh là hiện tại chị Thanh đang tham gia phiên tòa nên thái độ và hành động phải phù hợp với quy định của Tòa án. Sau đó vẫn bằng sự nghiêm khắc của mình, Hội thẩm nhân dân phân tích để chị Thanh hiểu Hội đồng xét xử muốn tạo điều kiện cho hai chị em chị Thanh giữ được tình cảm ruột thịt của mình khi cùng tham gia thỏa thuận. Hội thẩm nhân dân còn phân tích những điều có lợi khi hai bên đương sự đạt được thỏa thuận. Sau cùng Hội thẩm nhân dân hướng dẫn chị Thanh xem xét một mức thỏa thuận mới. Lúc này thái độ của chị Thanh đã bớt căng thẳng nhưng chị vẫn giữ nguyên đề nghị trước và dứt khoát không thay đổi. Hội thâm nhân dân và Đại diện viện kiểm sát đều lên tiếng phân tích cho chị Thanh thấy sự cố chấp trong quan điểm của chị sẽ không có lợi cho bản thân chị. Đại diện viện kiểm sát còn đưa ra để chị Thanh thấy trong một biên bản hòa giải không thành trước phiên tòa chính chị Thanh đã có một đề nghị về mức tiền hỗ trợ thêm thấp hơn đề nghị chị vừa đưa ra tại tòa ngày hôm nay. Luật sư bảo vệ bên Nguyên đơn, Lê Đăng Tùng đã phân tích để chị Thanh hiểu về mặt luật pháp và để chị Thanh hiểu nên lựa chọn hòa giải hay lựa chọn xét xử. Cho dù những người tham gia phiên tòa lần lượt phân tích, lý luận về quan hệ ruột thịt, về sự việc, về luật pháp cho chị Thanh để chị Thanh có sự hợp tác tốt tại phiên hòa giải tại tòa này nhưng vì sự thiếu hiểu biết về pháp luật và vì sự cố chấp nên chị Thanh vẫn dứt khoát không thay đổi đề nghị của mình. Lúc này chủ tọa phiên tòa đưa ra một quyết định kịp thời cho phiên tòa tạm dừng, giải lao để bên bị đơn là hai vợ chồng chị Thanh có thời gian bàn bạc và suy nghĩ trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về sự thỏa thuận đồng thời cũng đề nghị anh Lợi suy nghĩ để đưa ra quyết định của anh để đạt được thỏa thuận với chị Thanh.

Khi phiên tòa bắt đầu trở lại,chị Thanh đã có sự thay đổi và đưa ra đề nghị thỏa thuận mới là đồng ý nhận 30m2 đất và được nhận hỗ trợ thêm 150 triệu. Một tín hiệu đáng mừng của phiên hòa giải đã được phát ra. Nhưng về phía Nguyên đơn anh Lợi vẫn giữ đề nghị của mình dứt khoát không thay đổi là chỉ để lại cho chị Thanh 30m2 đất và hỗ trợ thêm 100 triệu đồng. Lúc này Luật sư Lê Đăng Tùng đứng lên phát biểu ý kiến phân tích cho anh Lợi thấy sự thiệt hơn về mặt kinh tế nếu hòa giải thành hoặc nếu tiếp tục phiên tòa sơ thẩm này. Luật sư Lê Đăng Tùng còn chỉ rõ cho hai bên đương sự nhận thức ra khi sự việc không được thỏa thuận tại thời điểm này thì sẽ còn kéo dài hết phiên tòa sơ thẩm rồi còn có thể tiếp đến phiên tòa phúc thẩm, điều đó sẽ mang lại thiệt hại kinh tế, thời gian cho cả hai bên đương sự. Khi nghe sự phân tích như vậy anh Lợi đã đứng lên và đưa ra một thỏa thuận mới là sẽ để lại cho chị Thanh 30m2 đất và hỗ trợ thêm 125 triệu đồng và đề nghị chị Thanh giảm yêu cầu đi 25 triệu đồng để có sự nhất trí. Lúc này bên Bị đơn chị Thanh vẫn tiếp tục giữ nguyên quan điểm cứng rắn, dứt khoát chỉ thỏa thuận như đề nghị chị đã đưa ra thôi. Không khí phiên hòa giải lại căng lên khi chị Thanh và anh Lợi không đạt được thỏa thuận. Thẩm phán chủ tọa lại đưa ra một quyết định bất ngờ là cho phép luật sư Lê Đăng Tùng và Nguyên đơn anh Lợi ra ngoài bàn bạc để đưa ra quyết định cuối cùng với mong muốn là luật sư Lê Đăng Tùng sẽ phân tích sự việc để anh Lợi có quyết định cuối cùng có lợi cho bản thân anh Lợi.

Sau khi ra ngoài hội ý thì khi luật sư Lê Đăng Tùng và anh Lợi bước vào phòng xử án anh Lợi đề nghị Luật sư nói luôn quyết định cuối cùng của anh. Luật sư Lê Đăng Tùng đã nói lên quyết định của anh Lợi là chấp nhận đề nghị thỏa thuận của chị Thanh là sẽ để lại cho chị Thanh 30m2 đất và hỗ trợ thêm 150 triệu. Cả phòng xử án cùng ồ lên vui vẻ. Lúc đó Thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã đề nghị anh Lợi trực tiếp nói ra sự chấp nhận thỏa thuận của anh. Sau khi anh Lợi nói chấp nhận đề nghị thỏa thuận của chị Thanh tất cả mọi người tham dự phiên tòa đều vỗ tay hoan hô chúc mừng quyết định sáng suốt của anh Lợi .

Cuối cùng phiên hòa giải đã thành công sau rất nhiều nỗ lực, sự cố gắng của những người tham gia phiên tòa. Một phiên tòa “đầy ắp” tình người. Khi Thẩm phán chủ tọa đọc xong quyết định công nhận hòa giải thành tại phiên tòa giữa hai bên đương sự, cả phòng xử án lặng đi giây lát khi chị Thanh bật khóc, cuối cùng thì vợ chồng chị vẫn có nơi ở, có tiền lo công việc và cuối cùng thì tình cảm chị em của chị vẫn còn đó .

Một ngày như mọi ngày khác nhưng là một ngày sẽ làm tôi nhớ mãi. Một phiên tòa ấm tình người, một phiên tòa đầy tình nhân ái. Từ Hội đồng xét xử tới Luật sư mọi người đều chung tay tham gia hòa giải, cuối cùng để lại cho Nguyên đơn, Bị đơn tình nghĩa chị em ruột thịt ./.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • Trang chủ
  • Phone
  • Mail
  • Messenger
  • Zalo