Tin tức, Tin HĐ Trung tâm, 07/11/2022 6 lượt xem

NHẬN DIỆN NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP GIẢI QUYẾT YÊU CẦU BẢO VỆ QUYỀN LỢI LUẬT SƯ

Ngày 25 tháng 08 năm 2012, tại Thủ đô Hà Nội, Liên đoàn luật sư Việt Nam phối hợp cùng Chương trình đối tác tư pháp (JPP) tổ chức chương trình Hội thảo về Xác định nội dung và phương pháp giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền lợi luật sư. Luật sư Nguyễn Văn Thảo- Phó Chủ tịch thường trực cùng Ủy ban bảo vệ quyền lợi luật sư của Liên đoàn luật sư Việt Nam chủ trì chương trình hội thảo. Tới dự chương trình hội thảo còn có luật sư Đỗ Ngọc Thịnh- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên đoàn luật sư Việt Nam, đại diện các Đoàn luật sư của các tỉnh, thành phố trong cả nước như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Thanh Hóa, Bình Định, Gia Lai vv và đông đảo các luật sư của các Đoàn luật sư trên toàn quốc tham gia

Trên cơ sở nội dung chương trình hội thảo về việc xác định nội dung và phương pháp giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền lợi luật sư đã có hàng chục ý kiến tâm huyết tham gia sôi nổi trong chương trình hội thảo. Đa số các ý kiến đều cho rằng ít nhiều trong quá trình hành nghề, các luật sư ở góc độ này hay vụ việc khác có sự vướng mắc, khó khăn, cản trở thậm chí bị vu khống hoặc đe dọa ảnh hưởng tới danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng của mình từ các chủ thể khác. Từ thực tiễn đó, các luật sư cho rằng việc bảo vệ quyền lợi luật sư là hết sức cần thiết nhằm giữ gìn vị thế, uy tín của luật sư. Nhiều ý kiến cho rằng luật sư là một nghề đặc thù khác cán bộ, công chức nhà nước nên khó phân biệt khi luật sư đang hoạt động hành nghề hoặc lúc không hành nghề nên cần bảo vệ luật sư trong tất cả các hoạt động liên quan đến hành nghề của luật sư và các hoạt động cá nhân khác bởi luật sư là thành viên của Đoàn luật sư cũng như Liên đoàn luật sư Việt Nam nên khi có yêu cầu thì cần được bảo vệ. Bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến khác cho rằng chỉ những hoạt động liên quan tới hành nghề thì cần được bảo vệ còn các hoạt động cá nhân khác đã có các quy định khác điều chỉnh như lao động, bảo hiểm hay dân sự…; loại ý kiến này cũng cho rằng cần đặt tên cơ quan bảo vệ quyền lợi luật sư phù hợp với phạm vi bảo vệ.

Từ việc nhận diện, xác định phạm vi bảo vệ thì các ý kiến đưa ra nhiều phương pháp, cách thức bảo vệ như cần có sự bảo vệ trước tiên từ chính cá nhân các luật sư, các Đoàn luật sư địa phương rồi Liên đoàn luật sư Việt Nam hoặc có sự phối kết hợp giữa các chủ thể này. Việc bảo vệ có thể bằng văn bản cụ thể kiến nghị tới các cơ quan liên quan hoặc trực tiếp làm việc hoặc thông qua truyền thông…Các đại biểu cũng cho rằng việc bảo vệ quyền lợi luật sư cần nhận diện một cách thận trọng, chính xác, kịp thời và kiên quyết.

Chương trình hội thảo kết thúc trong sự phấn khởi, tâm huyết, đầy trách nhiệm của Ủy ban bảo vệ quyền lợi luật sư cũng như đại diện lãnh đạo Liên đoàn luật sư Việt Nam khi tiếp thu tổng hợp ý kiến và kết luận chương trình làm việc./.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • Trang chủ
  • Phone
  • Mail
  • Messenger
  • Zalo