Sở hữu trí tuệ, Chính sách, 05/11/2022 14 lượt xem

Miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ vắc xin Covid-19 tiếp cận theo quyền được chăm sóc sức khỏe của cộng đồng

THS. NGUYỄN VĂN PHÚC

Khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật, Đại học Huế.

Tóm tắt: Tiếp cận công bằng vắc xin đang được quan tâm trên bình diện quốc tế sau khi đề xuất miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin Covid-19 được đưa ra. Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích các tiến trình của đề xuất miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin Covid-19 dựa trên quan điểm các quốc gia, hệ thống pháp lý quốc tế về sở hữu trí tuệ trong mối quan hệ với quyền được chăm sóc sức khỏe của cộng đồng theo các cam kết quốc tế về nhân quyền; và đề xuất các giải pháp trước mắt nhằm bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe của cộng đồng từ thực tiễn cuộc khủng hoảng vắc xin Covid-19.
Từ khóa: Miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin Covid-19; vắc xin Covid-19; sức khỏe cộng đồng; sở hữu trí tuệ.
Abstract: Equal access to vaccines has gained international attention after a proposal to waive intellectual property rights for Covid-19 vaccinations was made. Under scope of this article, the author provides discussions of the status of the exemption request from the standpoint of countries, the international legal system on intellectual property, and the community’s entitlement to health care in accordance with international commitments Human rights economics and proposes prompt actions to protect the community’s access to health care from the realities of the Covid-19 vaccination problem on this premise.
Keywords: Waive of intellectual property rights for Covid-19 vaccines; Covid-19 vaccine; community health; intellectual property.
 COVID_3.jpg
      Ảnh minh họa: Nguồn internet
Cho tới ngày nay, đại dịch Covid -19 đã ra gây ra khủng hoảng y tế toàn cầu về sự thiếu hụt vắc xin cũng như thuốc điều trị. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ điều chế vắc xin Covid-19 đang mở ra cơ hội rất lớn cho việc phòng ngừa và tạo miễn dịch toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều quốc gia đang phải đối mặt với sự thiếu hụt về vắc xin và khả năng tiếp cận chúng. Tính đến tháng 11/2021 ước tính thế giới có đến 7.3 tỷ liều vắc xin Covid-19 đã được sử dụng nhưng tỷ lệ dân số thế giới đã dùng ít nhất 1 liều chỉ chiếm 52%[1]. Sự thiếu hụt vắc xin này tập trung chủ yếu ở các nước kém và đang phát triển trong đó có Việt Nam, một phần đến từ sự cản trở rất lớn từ hệ thống quyền sở hữu trí tuệ.
Điều này được lý giải khi các tập đoàn dược phẩm được cấp bằng sáng chế quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) cho vắc xin, dẫn đến việc tăng giá bán và giảm khả năng tiếp cận, phân phối đến các quốc gia. Đây là nguyên nhân tạo ra sự bất bình đẳng trong phân phối vắc xin Covid-19 đi ngược lại với các nghĩa vụ nhân quyền của các quốc gia trong việc tôn trọng, bảo vệ và thực hiện quyền được chăm sóc sức khỏe cộng đồng[2]. Để giải quyết tình trạng bất bình đẳng này, xuất phát từ nhân quyền và sự bình đẳng tiếp cận y tế, những đề xuất từ Ấn Độ và Nam Phi liên quan đến việc miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin Covid-19 đã được các tổ chức quốc tế và nhiều quốc gia hưởng ứng. Tuy nhiên, đề xuất này cũng vấp phải sự phản đối đến từ các tập đoàn dược phẩm và các quốc gia phát triển vì liên quan đến vấn đề cân bằng lợi ích kinh tế và quyền SHTT đối với sáng chế vắc xin.
       Để đánh giá được tính khả thi của đề xuất của Ấn Độ và Nam Phi, cần làm rõ các quy định quốc tế về SHTT trong mối quan hệ với các cam kết quốc tế về nhân quyền. Bên cạnh đó, các quốc gia và tổ chức quốc tế cần có những hành động trước mắt cụ thể để đối phó với những diễn biến tiếp theo của đại dịch nhằm đảm bảo quyền được chăm sóc sức khỏe của cộng đồng.
1. Các quan điểm đối với đề xuất miễn trừ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin Covid-19
1.1. Quan điểm ủng hộ miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin Covid-19
Tháng 10 năm 2020, Ấn Độ và Nam Phi đã đệ trình lên Hội đồng tổ chức thương mại thế giới WTO về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền SHTT đề xuất việc miễn trừ tạm thời đối với việc thực hiện, áp dụng và thực thi quyền SHTT của các sản  phẩm và công nghệ cơ bản trong việc phòng, ngừa và ngăn chặn, điều trị Covid-19. Đề xuất này liên quan đến quy định của Phần II Hiệp định TRIPS với nội dung 4 đối tượng quyền tại mục 1 về quyền tác giả và quyền liên quan, mục 4 về kiểu dáng công nghiệp, mục 5 về bằng sáng chế và mục 7 về bảo vệ thông tin bí mật kinh doanh[3]. Đề xuất của Nam Phi và Ấn Độ nhận được ủng hộ của hơn 100 quốc gia và hơn 240 tổ chức xã hội dân sự (bao gồm Tổ chức Ân xá quốc tế, Liên minh sức khỏe quốc tế và Tổ chức Oxfam Quốc tế)[4]. Bên cạnh đó, đề xuất còn nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà khoa học đạt giải Nobel, học giả và cựu nguyên thủ quốc gia trên toàn thế giới.
Ngày 5/5/2021, Hoa Kỳ đã thể hiện quan điểm ủng hộ việc miễn trừ bảo hộ quyền SHTT đối với vắc xin Covid-19, New Zealand và Ireland cũng đã bày tỏ sẵn sàng ủng hộ việc miễn trừ và Canada sẽ tích cực tham gia vào các cuộc đàm phán[5]. Trên cơ sở đó, ngày 25/5/2021, Ấn Độ và Nam Phi đã đề xuất sửa đổi yêu cầu mở rộng việc miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ bao gồm chẩn đoán, điều trị, vắc xin, thiết bị y tế và cá nhân thiết bị bảo vệ để đối phó với Covid-19 với thời hạn tối thiểu ba năm và được xem xét hàng năm[6]. Đề xuất mới này được ủng hộ bởi một số quốc gia ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh, trong đó có Việt Nam[7].
Hình 1. Bản đồ quốc gia ủng hộ việc miễn trừ quyền SHTT vắc xin Covid-19
Untitled.NVPHUC.png
           Các quốc gia ủng hộ việc miễn trừ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin Covid-19 dựa trên các luận điểm sau đây:
Thứ nhất, giải quyết tình trạng bất bình đẳng vắc xin Covid-19 hiện nay trên toàn thế giới. Tỷ lệ tiêm chủng vắc xin tại các quốc gia kém phát triển nhất (LDCs[8]) rất thấp, ước tính chỉ 3% dân số tại các quốc gia này được tiêm chủng, trong khi đó con số này tại các quốc gia phát triển trên 65%[9]. Tình trạng bất bình đẳng này đến từ khả năng tiếp cận dược phẩm và sự khan hiếm nguồn cung vắc xin, khi các tập đoàn dược phẩm với sự hậu thuẫn của chính phủ tạo ra sáng chế và quyết định giá bán cao hơn so với thu nhập trung bình của người dân tại các quốc gia này, xuất phát từ việc độc quyền sáng chế công thức vắc xin. Theo một ước tính, các quốc gia có thu nhập thấp phải trả gấp 10 lần chi phí sản xuất ước tính cho các loại vắc xin này[10].
            Thứ hai, việc bảo hộ quyền SHTT đối với vắc xin Covid-19 đang là rào cản cho việc tiếp cận và chăm sóc sức khỏe cộng đồng dưới góc độ nhân quyền. Các khuôn khổ pháp lý thiết lập cho đối tượng quyền SHTT và ưu tiên các bằng sáng chế hơn là sức khỏe của cộng đồng, khi đang tạo điều kiện cho các sáng chế vắc xin kéo dài thời hạn bảo hộ bằng cách cấp các patent thứ cấp để giữ các lợi thế độc quyền này[11]. Các quốc gia cần thực hiện các cam kết nhân quyền của họ theo luật pháp quốc tế bao gồm quyền được sống, quyền lợi bình đẳng từ tiến bộ khoa học và sức khỏe.
Thứ ba, có đủ cơ sở pháp lý cho việc miễn trừ bảo hộ quyền SHTT vắc xin. Yêu cầu từ bỏ quyền SHTT của Ấn Độ và Nam Phi và các quốc gia ủng hộ dựa trên Điều IX Hiệp định Marrakesh năm 1994 – Hiệp định thành lập WTO (Hiệp định Marrakesh). Điều IX, khoản 3 Hiệp định Marrakesh quy định:“Trong những trường hợp ngoại lệ, Hội nghị Bộ trưởng có thể quyết định từ bỏ nghĩa vụ áp đặt đối với một Thành viên….”[12]. Yêu cầu này cũng phù hợp với Điều 66.1 Hiệp định TRIPS về miền trừ áp dụng các biện pháp bảo hộ quyền SHTT đối với các quốc gia LDCs.
1.2. Quan điểm phản đối việc miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin Covid-19
      Bên cạnh việc nhận được sự ủng hộ của đông đảo các quốc gia trên thế giới, đề xuất miễn trừ bảo hộ cũng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các quốc gia phát triển bao gồm Nhật Bản, Vương quốc Anh, Đức, Thụy Sĩ, Brazil, Úc và Liên minh châu Âu[13]. Ngân hàng Thế giới (WB) cũng bày tỏ quan điểm không ủng hộ việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin Covid[14]. Các nhà sản xuất vắc xin lớn trên thế giới như Pfizer, Johnson & Johnson… cũng lên tiếng phản đối đề xuất này. Có rất nhiều lý do được đưa ra cho việc phản đối miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin Covid-19, trong đó có ba lập luận chính sau:
Thứ nhất, việc miễn trừ quyền SHTT không giải quyết được vấn đề tiếp cận vắc xin trên toàn cầu. Luận điểm này đưa ra trên cơ sở hầu hết các quốc gia thiếu hụt vắc xin do hạn chế trong khả năng tiếp cận nguồn cung và sự khan hiếm vắc xin trong giai đoạn đầu của quá trình sản xuất vắc xin khi quá trình nghiên cứu và cấp phép khẩn cấp tại các quốc gia chỉ từ 12 – 18 tháng. Bên cạnh đó, việc sản xuất vắc xin đòi hỏi nguồn cung nguyên liệu đầy đủ và trình độ, cơ sở vật chất, năng lực công nghệ ở mức tiên tiến như công nghệ sản xuất vắc xin mRNA… đây mới chính là rào cản chính cho các quốc gia kém phát triển cho dù việc miễn trừ được thông qua.
Thứ hai, đã có các cơ sở và rào cản về các điều khoản linh hoạt của Hiệp định TRIPS áp dụng cho việc đảm bảo sức khỏe cộng đồng, việc nhập khẩu song song… sẽ đủ để cung cấp quyền truy cập vào vắc-xin Covid-19 cho các quốc gia. Ví dụ, Bolivia đang nộp đơn lên WTO để áp dụng điều khoản linh hoạt của TRIPS trong việc bắt buộc chuyển giao sáng chế cho việc sử dụng quy trình này để họ có thể sản xuất vắc xin Covid-19 của hãng dược Johnson & Johnson[15].
Thứ ba, ngăn cản sự đổi mới, sáng tạo và không đảm bảo quyền lợi cho chủ sở hữu. Lập luận này, được WB và các tập đoàn dược phẩm ủng hộ, cho rằng, nhu cầu vắc xin nên có được tài trợ bởi chi tiêu công, sử dụng tiền của tất cả những người đóng thuế, thay vì sử dụng tài sản riêng của các công ty dược. Bởi chi phí đắt đỏ đầu tư cho việc nghiên cứu và chạy đua sản xuất sớm vắc xin. Theo thống kê của Pfizer, năm 2021, hãng dược đã bỏ hơn 10 tỉ đô để tiếp tục nghiên cứu và phát triển (R&D) liên quan đến Covid-19[16]. Vì vậy, thật không công bằng nếu như các hãng dược chưa được khai thác quyền lợi từ các bằng sáng chế đã bị buộc chia sẻ lợi ích cho cộng đồng.
Trước những quan điểm của các quốc gia trên thế giới, tiến trình miễn trừ quyền SHTT đối với vắc xin Covid-19 vẫn đang được Tổ chức SHTT thế giới (WIPO), WHO… và nhiều quốc gia nhóm họp, thảo luận với sự ưu tiên trước mắt về việc đảm bảo quyền được chăm sóc sức khỏe và y tế của cộng đồng trong bối cảnh đại dịch.
2. Miễn trừ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong mối quan hệ với quyền được chăm sóc sức khỏe của cộng đồng
Trên cơ sở các quan điểm của các quốc gia và tổ chức quốc tế về việc miễn trừ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin Covid-19. Có thể nhận thấy rằng những lập luận, ý kiến trái chiều nêu trên đều xuất phát từ bản chất của sự xung đột giữa quyền con người trong việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng đặt trong mối quan hệ với quyền SHTT. Điều này được tác giả phân tích và làm rõ thông qua ba mối liên hệ chính sau:
Thứ nhất, việc thực thi các cam kết quốc tế về nhân quyền đối với quyền được chăm sóc sức khỏe của cộng đồng trong mối liên hệ với quyền SHTT vắc xin Covid-19. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, quan điểm của các tổ chức quốc tế về nhân quyền ủng hộ việc miễn trừ quyền SHTT đối với vắc xin Covid-19 trên cơ sở hệ thống pháp lý quốc tế, khi ước tính mỗi quốc gia trên thế giới đều phê chuẩn ít nhất một cam kết quốc tế về nhân quyền liên quan đến quyền được chăm sóc y tế và sức khỏe của công chúng[17]. Quyền được bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, được đề cập lần đầu tiên trong Hiến pháp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ký 22/7/1946. Tuy nhiên, thuật ngữ này được thừa nhận rộng rãi là một quyền cơ bản của con người trong Tuyên ngôn về Quyền con người năm 1948 (UDHR) tại Điều 25 (1) “Ai cũng có quyền được hưởng một mức sống khả quan về phương diện sức khỏe và an lạc cho bản thân và gia đình kể cả thức ăn, quần áo, nhà ở, y tế và những dịch vụ cần thiết…”. Trên cơ sở đó, quyền được chăm sóc sức khỏe cộng đồng được tái khẳng định lại tại Điều 12 Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966 (ICESCR); theo đó, “Con người có quyền được hưởng điều kiện tốt nhất có thể về sức khỏe thể chất và tinh thần[18]. Quyền được bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của cộng đồng là một quyền con người cơ bản không thể thiếu và có liên quan mật thiết với việc thực hiện hóa các quyền con người khác như quyền sống, quyền tiếp cận dược phẩm, không phân biệt đối xử, quyền bình đẳng về cơ hội trong việc chăm sóc sức khỏe bao gồm cả việc tiếp cận vắc xin[19]
Đặt trong mối liên hệ với quyền SHTT, các cam kết quốc tế đã đưa ra những giới hạn nhất định trong việc bảo hộ sáng chế dược phẩm nhằm đảm bảo quyền thụ hưởng và được chăm sóc sức khỏe của cộng đồng. Ủy ban Liên hợp quốc về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa đã nhấn mạnh: “Các quốc gia có nhiệm vụ ngăn chặn các chế độ pháp lý về sở hữu trí tuệ và bằng sáng chế đang làm ảnh hưởng đến việc thụ hưởng các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa”; Hiệp định TRIPS tại Điều 27, 30 cũng đưa ra những ngoại lệ nhất định cho việc không cấp bằng độc quyền sáng chế nhằm bảo vệ trực tự công cộng và các phương pháp chẩn đoán bệnh cho người và động vật. Tuyên bố về Hiệp định TRIPS và Sức khỏe cộng đồng năm 2001 (Tuyên bố Doha) được tiếp cận, giải thích theo hướng hỗ trợ quốc gia “để bảo vệ sức khỏe cộng đồng[20].
Tuy nhiên, khi dịch bệnh Covid -19 bùng phát, có thể nhận thấy rất rõ sự xung đột trên thực tế trong việc thực thi các cam kết quốc tế về quyền được chăm sóc sức khỏe cộng đồng với quyền SHTT. Điều này được thể hiện rõ thông qua sự bất bình đẳng đối với quyền tiếp cận dược phẩm mà ở đây là vắc xin Covid-19 khi các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình (LMIC) đang thiếu hụt vắc xin trong khi tại các quốc gia phát triển do nắm giữ độc quyền các sáng chế vắc xin nên sản xuất số lượng lớn dẫn đến dư thừa và có khả năng hết hạn sử dụng. Cụ thể, theo ước tính của WHO thống kê ở 10 quốc gia có thu nhập cao, dự kiến vắc xin dư thừa lên đến 870 triệu liều vào cuối năm 2021 sau khi tiêm chủng cho những người từ 16 trở lên và mũi 3 cho những người có nguy cơ cao[21].
Có thể nhận thấy rằng, ngay cả khi pháp luật quốc tế đã có những giới hạn nhất định về quyền SHTT nhằm đảm bảo quyền được chăm sóc sức khỏe của cộng đồng thì trên thực tế, việc thực thi và các rào cản phi pháp lý đang ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tiếp cận văc xin của người dân tại các quốc gia LMIC. Trong trường hợp này việc miễn trừ quyền SHTT đối với vắc xin Covid-19 có mối quan hệ rất lớn với việc duy trì và bảo vệ quyền được chăm sóc sức khỏe của cộng đồng theo cam kết tại Điều 12 của Công ước ICESCR. Khi việc miễn trừ sẽ trao cho các quốc gia không nắm giữ độc quyền sáng chế vắc xin có thể chủ động sản xuất, phân phối vắc xin và thuốc chữa trị đến cộng đồng.
Thứ hai, bảo hộ quyền con người đối với thành quả của sự sáng tạo khoa học, kỹ thuật (quyền SHTT vắc xin Covid-19) trong mối quan hệ với quyền được chăm sóc sức khỏe của cộng đồng. Các quốc gia phản đối việc miễn trừ quyền SHTT vắc xin Covid-19 cho rằng bản chất của việc bảo hộ quyền SHTT vắc xin Covid chính là việc đảm bảo quyền con người cơ bản đối với thành quả sáng tạo khoa học, kỹ thuật và việc miễn trừ có thể xâm phạm trực tiếp đến quyền con người cơ bản của chủ thể khác. Lập luận này trên thực tế không phải là không có cơ sở, quyền được bảo vệ những quyền lợi vật chất và tinh thần phát sinh từ sản phẩm khoa học đã được ghi nhận tại Công ước UDHR và ICESCR. Cụ thể, tại Điều 27(2) Công ước UDHR đã đưa vào nội dung “Ai cũng được bảo vệ bởi những quyền lợi tinh thần và vật chất phát sinh từ những sản phẩm khoa học, văn học hay nghệ thuật của mình” và tại Điều 15 (1) (c) của Công ước ICESCR quy định “Các quốc gia thành viên Công ước thừa nhận mọi người đều có quyền: Được bảo hộ các quyền lợi tinh thần và vật chất phát sinh từ bất kỳ sáng tạo khoa học, văn học nghệ thuật nào của mình”. Bên cạnh đó, cũng có nhiều quan điểm cho rằng quyền SHTT không phải là quyền con người cơ bản xuất phát từ bản chất của quyền SHTT được phát sinh khi có sự sáng tạo của chủ thể và phải thỏa mãn điều kiện bảo hộ nhất định theo pháp luật của từng quốc gia. Ngoài ra quyền SHTT có thể chuyển giao cho chủ thể khác kể cả quyền nhân thân và chấm dứt việc bảo hộ trong một thời hạn nhất định.
Theo quan điểm của tác giả, bản chất của quyền được hưởng lợi từ thành quả sáng tạo khoa học, kỹ thuật của tác giả (quyền SHTT) ở đây chính là quyền con người. Điều này xuất phát từ thuộc tính cơ bản của quyền con người là “quyền tự nhiên”, dù quyền SHTT hay quyền được chăm sóc sức khỏe của cộng đồng đều phát sinh trên cơ sở những mưu cầu tự nhiên về tinh thần, vật chất và mang tính “hiển nhiên” được cụ thể hóa qua pháp luật quốc tế về nhân quyền.
Tuy nhiên, đặt trong mối quan hệ của đề xuất miễn trừ bảo hộ quyền SHTT đối với vắc xin Covid 19 liệu có xâm phạm đến quyền con người cơ bản của tác giả, chủ sở hữu thành quả trí tuệ. Ở đây cần lưu ý rằng, đề xuất miễn trừ quyền SHTT đối với vắc xin Covid-19 từ Nam Phi và Ấn Độ không tước bỏ vô thời hạn quyền SHTT đối với vắc xin, sự miễn trừ này có thời hạn 3 năm và sau đó, Đại Hội đồng WTO sẽ xem xét sự tồn tại của các trường hợp ngoại lệ cho việc từ bỏ, và nếu các trường hợp đó không còn tồn tại, sẽ xác định ngày chấm dứt sự từ bỏ. Nên sự từ bỏ này không mâu thuẫn với điểm c, khoản 1, Điều 15 của Công ước ICESCR và không tước bỏ hoàn toàn thành quả sáng tạo của các công ty, tập đoàn dược phẩm. Bên cạnh đó, tập đoàn dược phẩm đã được hậu thuẫn và bù đắp từ nguồn tài trợ của chính phủ ước tính khoảng 93 tỉ đô la cho việc phát triển vắc xin[22] và được tạo điều kiện cấp phép cho vắc xin Covid thông qua một quy trình khẩn cấp rút ngắn thời gian từ 12 – 18 tháng so với bình quân 8 đến 15 năm của một vắc xin sản xuất thông thường. Cụ thể:
Hình 2: Quy trình sản xuất và cấp phép vắc xin Covid-19 so với vắc xin thông thường
Untitled.NVPHUC_1.png
Thứ ba, vấn đề cân bằng lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội trong mối quan hệ với việc miễn trừ bảo hộ quyền SHTT đối với vắc xin Covid-19. Từ hai nội dung phân tích nêu trên có thể nhận thấy rằng, việc đề xuất miễn trừ quyền SHTT đối với vắc xin Covid-19 đang đặt ra sự xung đột rất lớn trong việc cân bằng lợi ích kinh tế (bảo hộ quyền SHTT vắc xin) với việc cân bằng lợi ích xã hội (quyền được chăm sóc sức khỏe của cộng đồng). Xét về khía cạnh kinh tế của việc bảo hộ quyền SHTT đối với vắc xin Covid-19 đây là một sự bù đắp cho các cá nhân, tổ chức đã đầu tư thời gian, tâm huyết và vật chất cho quá trình nghiên cứu và phát triển vắc xin khi ước tính để phát triển một loại dược phẩm phải mất từ 800 triệu USD cho đến 1 tỷ USD. Điều này cho phép chủ sở hữu có thể khai thác hợp pháp tài sản trí tuệ của mình để thu hồi chi phí nghiên cứu cũng như tạo ra lợi nhuận để thỏa đáng với công sức đã bỏ ra, đồng thời khuyến khích các nhà nghiên cứu tiếp tục tạo ra sáng chế mới và tái đầu tư cho những nghiên cứu tiếp theo. Bên cạnh đó, bảo hộ quyền SHTT trong lĩnh vực dược phẩm còn giúp phát triển kinh tế quốc gia, tạo thu nhập cho người lao động cũng như khuyến khích việc đầu tư vào ngành công nghiệp dược phẩm.
Xét về khía cạnh xã hội, việc bảo hộ quyền SHTT sẽ dẫn đến độc quyền công thức, nguyên liệu và giá thành gây cản trở rất lớn cho những quốc gia LMIC trong việc tiếp cận vắc xin và thuốc chữa trị đặc biệt đối với những đại dịch bùng phát nhanh và trên diện rộng như Covid-19 khi mà các ứng phó y tế công cộng đã trở nên quá tải. Trên thực tế, thông qua đại dịch Covid-19 vừa qua, chúng ta có thể nhận thấy rằng nhiều giải pháp đã được đưa ra để giải quyết vấn đề này được biết dưới các cơ chế viện trợ chính phủ và tiếp cận toàn cầu Vắc xin Covid-19 (COVAX)[23]. Tuy nhiên, những cơ chế như COVAX vừa qua đã bộc lộ là một cơ chế từ thiện không đảm bảo khi nguồn cung vắc xin luôn thiếu do phụ thuộc vào các nhà tài trợ là các quốc gia phát triển nắm giữ độc quyền vắc xin cam kết không ràng buộc khi tham gia cơ chế. Bên cạnh đó, vấn đề ngoại giao vắc xin, trong đó vắc xin được cung cấp cho các nước nghèo hơn để đạt được các mục tiêu chính trị đang đi ngược lại với mục tiêu sức khỏe cộng đồng trong các cam kết nhân quyền, đang được mô tả như hành vi của “chủ nghĩa dân tộc vắc xin[24].
Vậy việc áp dụng các điều khoản linh hoạt của Hiệp định TRIPS như một công cụ nhằm cân bằng lợi ích chủ sở hữu với lợi ích xã hội trong trường hợp này liệu có phù hợp. Ở đây cần phải hiểu rằng đề xuất miễn trừ quyền SHTT của Ấn Độ và Nam Phi không dựa trên Tuyên bố Doha và không liên quan đến giấy phép bắt buộc bởi khả năng áp dụng các điều khoản linh hoạt này tỏ ra không phù hợp với tình hình dịch bệnh toàn cầu như hiện nay, Điều 31 Hiệp định TRIPS quy định không áp dụng thống nhất đối với tất cả các quốc gia, bên cạnh đó thủ tục khá rườm rà. Trong khi các quốc gia có khả năng sản xuất trong lĩnh vực dược phẩm có thể sử dụng các giấy phép bắt buộc một cách hiệu quả, còn các quốc gia kém phát triển với sự hạn chế về công nghệ không thể áp dụng khả thi các điều khoản này. Rõ ràng trong trường hợp này các Điều khoản của TRIPS không thật sự linh hoạt và phù hợp với các nước trong nhóm LMIC trước bối cảnh dịch bệnh.
Qua những phân tích nêu trên có thể nhận thấy rằng hệ thống SHTT trong bối cảnh dịch bệnh hiện tại đang góp phần làm trầm trọng hơn sự bất bình đẳng trong tiếp cận vắc xin, khi việc phân phối vắc xin trên toàn cầu đang bị quyết định bởi sự chênh lệch quyền lực, tài chính và các nguồn lực y tế, công nghệ. Không có một sự cân bằng tuyệt đối giữa lợi ích kinh tế hay lợi ích xã hội và để giải quyết được sự xung đột giữa quyền con người với quyền sở hữu trí tuệ cần một khoảng thời gian dài để nghiên cứu với sự điều chỉnh hệ thống pháp luật SHTT đồng bộ, phù hợp. Theo quan điểm của tác giả trong trường hợp này đề xuất miễn trừ bảo hộ các đối tượng quyền SHTT đối với vắc xin Covid-19 là cần thiết bởi chủ sở hữu sáng chế vắc xin có thời gian đến 20 năm để thu lợi nhuận kinh tế trong khi chưa đầy 1 năm dịch bệnh Covid-19 đã có thể cướp đi sinh mạng của hàng triệu người do chính những rào cảng từ hệ thống SHTT có thể mang lại.
3. Giải pháp nhằm đảm bảo quyền được chăm sóc sức khỏe cộng đồng từ kinh nghiệm cuộc khủng hoảng vắc xin Covid-19
Từ đề xuất miễn trừ bảo hộ quyền SHTT đối với vắc xin Covid-19, mọi thứ chúng ta làm và học được trong cuộc khủng hoảng hiện tại nên được nhìn nhận dưới góc độ sẵn sàng cho thời gian tới bởi trước đại dịch hiện nay, thế kỷ thứ 21 đã chứng kiến ​​sự bùng phát của SARS, H1N1, MERS và Ebola; đòi hỏi các quốc gia trong đó có Việt Nam cần có những giải pháp kịp thời và phù hợp hơn để đảm bảo sức khỏe cộng đồng trước sự đe dọa của các cuộc khủng hoảng y tế tiếp theo trong lúc chờ đợi một tiền lệ từ đề xuất miễn trừ bảo hộ quyền SHTT.
Thứ nhất, cần tăng cường đoàn kết khu vực và quốc tế trong việc hỗ trợ chuyển giao công nghệ sản xuất dược phẩm. Dù đề xuất miễn trừ quyền SHTT đối với vắc xin trong tương lai được thông qua nhưng tại các quốc gia LMIC năng lực về công nghệ vẫn là rào cản rất lớn, điều này đòi hỏi sự hỗ trợ nhân lực và chuyển giao công nghệ từ các quốc gia phát triển trên toàn cầu với sự thúc đẩy của các tổ chức liên chính phủ và cam kết quốc tế. Ví dụ như Việt Nam hiện nay đã ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin Covid-19 với Nga, Hoa Kỳ, Nhật Bản dự kiến đến tháng 6/2022 sẽ hoàn thiện chuyển giao công nghệ và nhà máy[25].
Thứ hai, mở rộng năng lực và điều phối dây chuyền cung ứng để mang lại nguồn cung vắc xin phù hợp với nhu cầu thực tế. Vắc xin hiện nay được phân bổ và cung ứng không đồng đều giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, thông qua nhiều cơ chế cung ứng như: COVAX, cung ứng khu vực như Liên minh châu Phi hay giao dịch trực tiếp với các nhà sản xuất… Điều này đòi hỏi nhu cầu thành lập một cơ quan ủy thác chuỗi cung ứng vắc xin toàn cầu, đây là một tổ chức trung lập không tham gia vào việc mua, cung cấp tài chính hoặc vận động vắc xin. Tổ chức này đóng vai trò như một trung tâm lưu trữ dữ liệu và điều phối vắc xin toàn cầu theo nhu cầu thực tế từng quốc gia, đơn đặt hàng và nhà cung cấp… những thông tin này hiện đang nằm tại các tổ chức khác nhau như Gavi, WHO, và UNICEF và chính phủ các quốc gia phát triển[26].
Thứ ba, tận dụng quyết định kéo dài thời gian chuyển tiếp miễn áp dụng Hiệp định TRIPS đối với các nước kém phát triển (LDCs) đến năm 2034[27]. Trong giai đoạn chuyển tiếp này, các quốc gia LDCs có thể tận dụng các quy định miễn trừ việc áp dụng sáng chế dược phẩm, kể cả sáng chế vắc xin Covid-19 và các thông tin về quy trình liên quan trong việc sản xuất dược phẩm. Bên cạnh đó các quốc gia phát triển thành viên WTO phải cam kết hỗ trợ kỹ thuật, tài chính để có thể sản xuất và chủ động về công nghệ, trình độ. Đây là một cơ hội dành riêng cho các nước LDCs và có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hiện nay, như trường hợp Bangladesh đã sử dụng quyền miễn trừ bằng sáng chế, đã đạt được khả năng tự cung tự cấp trong lĩnh vực dược phẩm với gần 97% thuốc cho thị trường nội địa và xuất khẩu sang nhiều quốc gia LDCs khác[28].
Thứ tư, tận dụng các điều khoản linh hoạt của TRIPS đối với các trường hợp khẩn cấp. Mặc dù không thể áp dụng một cách phổ biến trên phạm vi toàn cầu như đề xuất miễn trừ bảo hộ, tuy nhiên đối với một số quốc gia đang lâm vào tình trạng khẩn cấp, đảm bảo sức khỏe cộng động có thể áp dụng các điều khoản của TRIPS như: ngoại lệ đối với quyền sáng chế được bảo hộ (Điều 30); bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế (li-xăng bắt buộc) theo Điều 31; nhập khẩu song song dược phẩm (Điều 6 và khoản 1 Điều 28) nếu đáp ứng các điều kiện phù hợp.
Thứ năm, hỗ trợ từ chính phủ trong việc thúc đẩy doanh nghiệp nghiên cứu và phát triển (R&D) dược phẩm. Tài trợ công cho R&D hay cam kết mua trước của chính phủ để mua số lượng lớn liều lượng với giá ấn định và các khoản chi trả liên quan khác đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất dược phẩm (bao gồm vắc xin) của doanh nghiệp. Điều này đã được chứng minh hiệu quả thông qua “Chiến dịch Warp Speed” được Tổng thống Donald Trump lập ra để điều phối, sản xuất, phân phối và tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho người dân Hoa Kỳ.
Dù tình hình dịch bệnh đến thời điểm hiện tại đã được kiểm soát tại các quốc gia và đề xuất miễn trừ bảo hộ đối với quyền SHTT vắc xin Covid-19 vẫn chưa được thông qua chính thức, nhưng điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc thay đổi nhận thức trên bình diện quốc tế khi đã đến lúc cần đặt lợi ích cộng đồng lên trên những lợi ích kinh tế, chính trị. Đây cũng là cơ hội để thay đổi hệ thống SHTT toàn cầu mà không cần đến một khủng hoảng y tế tiếp theo trong tương lai để rút kinh nghiệm. Bởi như lời của Chủ tịch Uỷ ban châu Âu “Không ai được an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn”./.  


[1] Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (https://Covid19.who.int/) và Trường Đại học Johns Hopkins (https://coronavirus.jhu.edu/map.html) tính đến hết ngày 19/11/2021.
[2] Sekalala S, et al “Decolonising human rights: how intellectual property laws result in unequal access to the COVID-19 vaccine” BMJ Global Health 2021; 6:e006169.
[3] Titievskaia “World Trade Organization TRIPS waiver to tackle coronavirus” European Parliament EPRS | European Parliamentary Research Service, 2021. https://www.europarl.europa.eu/RegData/etudes/ATAG /2021/690649/EPRS_ATA(2021)690649_EN.pdf, truy cập ngày 10/11/2021.
[4] Dean M. Harris, J.D. “COVID-19 vaccines and Treatments: The proposal for a waiver of intellectual property rights during the pandemic” Department of Health Policy and Management, University of North Carolina at Chapel Hill, USA 13 July 2021 https://www.rug.nl/rechten/onderzoek/expertisecentra/ghlg, truy cập 10/11/2021.
[5] Office of the United States trade representative “Statement from Ambassador Katherine Tai on the Covid-19 Trips Waiver” https://ustr.gov/about-us/policy-offices/press-office/press-releases/2021. Truy cập 10/11/2021.
[6] Council for Trade-Related Aspects of Intellectual Property Rights “Waiver from certain provisions of the trips agreement for the prevention, containment and treatment of Covid-19” 25 May 2021 https://docs.wto.org/dol2fe/Pages/ SS/directdoc.aspx?, truy cập 10/11/2021.
[7] Ngày 13/5/2021, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phát biểu thể hiện quan điểm ủng hộ việc miễn trừ nghĩa vụ bảo hộ quyền SHTT đối với vắc xin Covid-19. Xem thêm https://www.ipvietnam.gov.vn/tin-tuc-su-kien/-/asset_publisher/7xsjBfqhCDAV/, truy cập ngày 15/11/2021.
[8] Theo thống kê của WTO hiện nay thế giới có 35 quốc gia thành viên của WTO thuộc nhóm nước kém phát triển và 3 quốc gia không thuộc WHO (Eritrea, Kiribati, Tuvalu). Xem tại WTO “Groups in the negotiations” Last updated: 12 April 2021; https://www.wto.org/english/tratop_e/dda_e/negotiating_groups_e.htm#grp007, truy cập ngày 15/11/2021.
[9] Theo thống kê tính đến ngày 20/11/2021 của Đại học Johns Hopkins. Xem thêm tại https://coronavirus-jhu-edu.translate.goog/map.html?, truy cập 20/11/2021
[10] Clendinen C, Zhang Y, Warburton RN, Light DW. Manufacturing costs of HPV vaccine for developing countries. vaccine2016;34:5984-9. doi:10.1016/j.vaccine.2016.09.042 pmid: 27771183.
[11] Năm 2017 hãng dược phẩm Pfizer tại Hàn Quốc đã thực thi thành công patent thứ cấp về vắc xin phế cầu (pneumococcal) của họ thông qua các thủ tục pháp lý tại tòa án và kéo dài thời gian bảo hộ sáng chế này. Chu M. “Pfizer Korea wins pneumonia vaccine patent dispute with SK Chemicals”. Korea Biomedical Review 2017.  http://www.koreabiomed.com/news/articleView.html?idxno=2061, truy cập 15/11/2021.
[12] Xem .Article IX of the 1994 Marrakesh Agreement Establishing the WTO.
[13] Titievskaia “World Trade Organization TRIPS waiver to tackle coronavirus” European Parliament EPRS | European Parliamentary Research Service, 2021. https://www.europarl.europa.eu/RegData/etudes/ATAG /2021/690649/EPRS_ATA(2021)690649_EN.pdf, truy cập ngày 10/11/2021.
[14] David Lawder “World Bank opposes vaccine intellectual property waiver as WTO talks resume” June 8, 2021 https://www.reuters.com/business/healthcare-pharmaceuticals/world-bank-chief-says-does-not-support-vaccine-intellectual-property-waiver-wto-2021-06-08, truy cập ngày 20/11/2021.
[15] Richard A. Morgan et al “Trade and Sustainability Review”, Volume 1, Issue 3, July 2021, truy cập ngày 22/20/2021.
[16] Albert Bourla “An open letter from pfizer chairman and ceo albert bourla” 2021; https://www.pfizer.com/, truy cập ngày 22/20/2021.
[17] Perehudoff SK, Alexandrov NV, Hogerzeil HV. “Legislating for universal access to medicines: a rights-based cross-national comparison of UHC laws in 16 countries”. Health Policy Plan 2019;34:iii48–57. https://academic.oup. com/heapol/article/34/Supplement_3/iii48/5670623, truy cập ngày 22/11/2021.
[18] Xem thêm Điều 12 Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm1966 “The States Parties to the present Covenant recognize the right of everyone to the enjoyment of the highest attainable standard of physical and mental health”.
[19] Xem thêm tại Bình luận chung số 14 thông qua tại phiên họp lần thứ 22 năm 2002 của Ủy ban về quyền kinh tế, xã hội, văn hóa giải thích cụ thể Điều 12 ICESCR.
[20] United Nations Committee on Economic, Social and Cultural Rights (CESCR). “Statement on universal affordable vaccination against coronavirus disease (COVID-19), international cooperation and intellectual property”. Available: https://undocs.org/E/C.12/2021/1, truy cập 22/11/2021.
[21] Medecins Sans Frontieres (MSF) “COVID-19 Vaccine Redistribution to Save Lives Now” October 2021. COVID_TechBrief_MSF_AC_IP_TRIPSWaiverQ&A_ENG_27May2021-2, truy cập ngày 22/11/2021.
[22] Hãng dược Moderna đã nhận được gần 1 tỉ đô la Mỹ tiền đóng thuế để phát triển và sản xuất vắc xin COVID-19, trong khi Pfizer/ BioNTech nhận được 445 triệu đô la Mỹ từ Chính phủ Đức.
 Hoecklin M. “€93 billion spent by public sector on COVID vaccines and therapeutics in 11 months, finds new research”. Health Policy Watch 2021 Jan 12, https://healthpolicy-watch.news/81038-2, truy cập 22/11/2021.
[23] Covax là chữ viết tắt của Covid-19 Vắc xins Global Access, đây là cơ chế bảo đảm tiếp cận vắc xin toàn cầu, được đồng sáng lập bởi Liên minh Đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI), Liên minh Toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tham gia với tư cách đối tác phân phối. https://www.who.int/initiatives/act-accelerator/covax.
[24] Hotez PJ. “Vaccine diplomacy“: historical perspectives and future directions. PLoS Negl Trop Dis 2014;8:e2808. doi:10.1371/journal.pntd.0002808pmid:http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/2496823, truy cập 22/11/2021.
[25] Cổng thông tin điện tử Bộ y tế “3 hợp đồng chuyển giao công nghệ liên quan đến vắc xin COVID-19 đã được ký kết” https://moh.gov.vn/tin-lien-quan/-/asset_publisher/vjYyM7O9aWnX/content/3-hop-ong-chuyen-giao-cong-nghe-lien-quan-en-vac-xin-Covid-19-a-uoc-ky-ket, truy cập ngày 25/11/2021.
[26] Prashant Yadav and Rebecca Weintraub “4 Strategies to Boost the Global Supply of Covid-19 Vắc xins” Harvard Business Review Home May 06, 2021 ttps://hbr.org/2021/05/4-strategies-to-boost-the-global-supply-of-Covid-19-vaccine, truy cập ngày 26/11/2021.
[27] Ngày 29/6/2021, Hội đồng TRIPS quyết định thông qua đề xuất tiếp tục kéo dài thời gian miễn trừ áp dụng việc thực thi các cam kết về SHTT theo Hiệp định TRIPS cho các quốc gia LDCs đến ngày 1 tháng 7 năm 2034 theo  Điều 66.1 của Hiệp định TRIPS đã được gia hạn hai lần trước đó (vào năm 2005 và 2013). Xem The World Trade Organization (WTO) “WTO members agree to extend TRIPS transition period for LDCs until 1 July 2034” https://www.wto.org/english/news_e/news21_e/trip_30jun21_e.htm, truy cập 22/11/2021.
[28] Mazharul Islam “LDC graduation: Evaluating the implications of implementing the TRIPS agreement” Sep 14,2021https://www.thedailystar.net/law-our-rights/news/ldc-graduation-evaluating-thimplicationsimplementing -the-trips-agreement-217554. Truy cập ngày 25/11/2021.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 08 (456), tháng 04/2022.)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • Trang chủ
  • Phone
  • Mail
  • Messenger
  • Zalo