Thực hiện Quyết định số 175/QĐ-LĐLSVN ngày 07/02/2018 của Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn công tác Liên đoàn Luật sư Việt Nam do Luật sư Nguyễn Văn Trung, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh, làm Trưởng đoàn đã có chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản, tham dự Khóa đào tạo về “Hài hòa hóa pháp luật hiện hành và thống nhất áp dụng pháp luật hướng tới năm 2020”, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp với Liên đoàn Luật sư Nhật Bản và ký Thỏa thuận hợp tác với Đoàn Luật sư Tokyo…
Được biết, ngày 01/9/1949, Liên đoàn Luật sư Nhật Bản (Nichibenren) được thành lập. Đoàn luật sư thì được thành lập tại các địa phương tương ứng với khu vực thẩm quyền của các tòa án khu vực. Riêng Tokyo vì lý do lịch sử nên có 03 Đoàn luật sư.
Luật sư Nhật Bản vừa đồng thời là thành viên của Nichibenren vừa đồng thời là thành viên Đoàn luật sư. Đến nay Nhật Bản có trên 38.000 luật sư, trong đó có khoảng 18% là nữ giới.
Trụ sở Liên đoàn Luật sư Nhật Bản (Nichibenren)
Theo Luật luật sư Nhật Bản thì để trở thành luật sư thì đòi hỏi phải tốt nghiệp cử nhân luật và phải trải qua kỳ thi Tư pháp quốc gia do Bộ Tư pháp tổ chức. Sau đó học viên phải thực tập 01 năm tại Trường thực tập tư pháp. Tuy nhiên, sau khi đã trở thành luật sư thì luật sư vẫn phải tham gia các lớp bồi dưỡng bắt buộc để nâng cao trình độ, đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Luật sư phải tham gia bồi dưỡng trong năm đầu tiên sau khi gia nhập đoàn, khi đủ 3 năm, khi đủ 5 năm và cứ mỗi năm năm tiếp theo đều phải tham gia. Các luật sư mới kết nạp sẽ được trú trọng bồi dưỡng đạo đức hành nghề luật sư.
Liên đoàn Luật sư Nhật Bản đã thành lập Trung tâm bồi dưỡng tổng hợp, trực thuộc Ban chấp hành Liên đoàn luật sư. Trung tâm này có chức năng lên kế hoạch, quản lý và tổ chức bồi dưỡng cho các luật sư. Kể từ năm 2005 thì Liên đoàn Luật sư Nhật Bản vẫn trực tiếp thực hiện việc bồi dưỡng nhưng có giao nhiệm vụ bồi dưỡng cho các đoàn luật sư địa phương để các đoàn luật sư tự tổ chức.
Các bài giảng trong các lớp mà Liên đoàn tổ chức đã được biên tập hoàn chỉnh để thu vào đĩa DVD và phát cho các đoàn luật sư. Đến nay, đã có tổng cộng trên 300 đề tài bồi dưỡng. Học viên được tham gia bồi dưỡng hoàn toàn được miễn phí. Trường hợp khó khăn về giáo viên thì Đoàn luật sư địa phương có thể đề nghị Liên đoàn cử luật sư có uy tín, chuyên môn trong Liên đoàn tham gia giảng dạy. Trên thực tế, các đoàn luật sư cũng hay mời các luật sư của Liên đoàn tham gia giảng dạy.
Hội trường đa năng của Nichibenren
Hình thức bồi dưỡng cũng rất đa dạng. Học viên có thể đăng ký tham gia trược tiếp tại hội trường hoặc qua phần mềm học trên mạng máy tính E-Learning. Việc bồi dưỡng cũng có thể được thực hiện theo “tour” (Chuyến bồi dưỡng qua nhiều địa phương theo theo kế hoạch đã định trước). Nội dung bồi dưỡng cũng rất đa dạng, được xếp tổng cộng vào 24 nhóm như: Dân sự, Hôn nhân gia đình, Bồi thường tai nạn giao thông, Người tiêu dùng, Tiếng Anh chuyên ngành… Học viên đăng ký nội dung bồi dưỡng và hình thức bồi dưỡng. Nếu bồi dưỡng qua E-Learning thì học viên được cấp tài khoản và tự tham gia học. Cách bồi dưỡng này được thực hiện chủ yếu trên cơ sở tự giác. Liên đoàn đang dự thảo quy định học viên phải làm bài kiểm tra để đánh giá sơ bộ kết quả bồi dưỡng sau khi kết thúc buổi học E-Learning cũng như kiểm soát tốt hơn việc tham gia bồi dưỡng của các luật sư.
Đối với việc bồi dưỡng ở hội trường, giảng viên tạo điều kiện tối đa để các luật sư thảo luận về nội dung bài học, về các tình huống pháp lý có nội dung liên quan. Đối với luật sư mới vào nghề thì ở một số đoàn luật sư quy định họ phải tham dự bắt buộc các buổi thảo luận chuyên môn (ít nhất là 6 trên tổng số 9 buổi mà đoàn tổ chức.)
Các Luật sư Việt Nam tham gia tập huấn tại Nichibenren
Trên thực tế rất ít học viên không tham gia bồi dưỡng bắt buộc và cũng chưa có luật sư nào bị kỷ luật do đã không tham gia học bắt buộc. Kết quả bồi dưỡng được thể hiện trong cơ sở dữ liệu của Liên đoàn mà các luật sư đều có thể kiểm tra mình đã hoàn thành chưa. Trường hợp luật sư chưa hoàn thành việc bồi dưỡng bắt buộc sẽ được thông báo nhắc nhở và họ sẽ tiếp tục nhận được thông báo nhắc nhở cho đến khi tham gia lớp bồi dưỡng.
Với những kết quả đã đạt được thì có thể thấy việc tổ chức và bồi dưỡng cho luật sư ở Nhật Bản là rất khoa học, hiệu quả, mang lại những giá trị thiết thực cho các luật sư, đóng góp vào sự phát triển của chung Liên đoàn Luật sư Nhật Bản.
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Phó Giám đốc Trung tâm TVPL LĐLSVN