ĐI MỘT NGÀY ĐÀNG…
*
Luật sư PHAN TRUNG HOÀI
(Gửi về từ Chicago, bang Illinois)
Kỳ I: KHỞI HÀNH
Nhận lời mời của Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ và Đoàn Luật sư Canada, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã quyết định cử một Đoàn đại biểu do Chủ tịch Lê Thúc Anh dẫn đầu sang dự Hội nghị thường niên của hai tổ chức luật sư lớn nhất thuộc khu vực Bắc Mỹ này. Thành phần Đoàn còn có LS Phan Thông Anh- Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng cơ quan đại diện Liên đoàn tại TP Hồ Chí Minh; LS Nguyễn Đình Thơ- Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Đào tạo, bồi dưỡng; LS Nguyễn Thế Phong- Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Đạo đức, Khen thưởng và Kỷ luật; LS Lưu Tiến Dũng- Ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc, Chủ nhiệm Ủy ban Hợp tác Quốc tế; LS Nguyễn Thị Quỳnh Anh- Ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc, Chủ nhiệm Ủy ban Phát triển Kinh tế- Tài chính của Liên đoàn và LS Phan Trung Hoài- Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ Quyền lợi Luật sư. Thời gian dự kiến làm việc tại Chicago (Hoa Kỳ) từ ngày 2 đến 6/8/2012 và tại Vancouver (Canada) từ 7 đến 13/8/2012.
Với sự hỗ trợ của Dự án Đối tác Tư pháp (JPP), Đại sứ quán Hoa Kỳ, Canada và Đan Mạch, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ và bộ phận tiếp nhận thủ tục visa (IOM) tại TP Hồ Chí Minh, các thủ tục liên quan việc cấp visa cho các thành viên trong Đoàn được triển khai nhanh chóng. Tuy nhiên, tôi muốn kể một chút về thủ tục xin visa để có thể hiểu thêm, cùng là một quốc gia phát triển, nhưng thủ tục xin visa vào Canada và Hoa Kỳ cũng có sự khác biệt nhất định.
Có thể nói, Canada là một trong những nước khá chặt chẽ trong việc cấp thị thực nhập cảnh (visa) cho khách du lịch. Số người Việt Nam đến quốc gia này thường kết hợp du lịch theo các tour lữ hành rồi ở lại thăm thân nhân, ít người tự túc du lịch Canada vì thường gặp khó khăn trong khâu thủ tục nhập cảnh dù số người đến và ở lại cư trú bất hợp pháp không nhiều như ở Mỹ, Úc…
Khác với Mỹ, lãnh sự quán Canada không xét visa thông qua hình thức phỏng vấn trực tiếp mà sẽ xét thông qua hồ sơ nộp tại lãnh sự quán. Thời gian xét khá lâu. Mặc dù tôi đã có dịp sang thăm và làm việc tại Canada từ năm 1996 theo lời mời của Công ty Vinafax, cũng nhưcác thông tin về nhân thân đã được cập nhật đầy đủ trong các bản khai điện tử được mã hóa bằng mã vạch, nhưng do bản có chữ ký được gửi từ TPHCM bị gấp lại trong bì thư phát chuyển nhanh EMS nên bộ phận tiếp nhận thủ tục visa (IOM) tại Hà Nội không đọc được. Phải mất gần hai tuần tôi mới nhận được visa tại bộ phận IOM (tầng 8 số 162 Pasteur, quận 1 TPHCM), kịp trước ngày phỏng vấn tại Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ (số 4 Lê Duẩn, quận 1, TPHCM).
Sự khác biệt còn thể hiện ngay trên tờ visa được dán vào hộ chiếu. Trên tờ visa Canada hoàn toàn không có ảnh của người được cấp, trong khi visa vào Mỹ thì ngược lại. Sau khi đăng ký làm thủ tục online, các thành viên trong Đoàn nhận được một lịch hẹn phỏng vấn visa của Đại sứ quán hoặc Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ được gửi đến địa chỉ hòm thư điện tử của từng người để có thể tiện theo dõi và chủ động sắp xếp. Bộ phận điều phối Dự án và Văn phòng Liên đoàn cũng nói về các thủ tục xét cấp visa vào Hoa Kỳ khá phức tạp, nên tôi cũng phải chuẩn bị chu đáo các giấy tờ liên quan chuyến đi. Ngoài việc hoàn tất đơn xin cấp thị thực theo mẫu DS-160,in thư xác nhận cuộc hẹn và mang theo khi đi phỏng vấn, biên lai lệ phí xin cấp thị thực không hoàn lại là 160 USD (nộp bằng USD, tiền mặt) tại ngân hàng Citibank, tôi cũng phải chuẩn bị một số giấy tờ tùy thân, thậm chí cảtài sản như: giấy tờ nhà/ đất, xe ô tô,hộ khẩu, giấy hôn thú…
Theo lịch, tôi đến vào đầu giờ buổi sáng ngày 19/7/2012, nhưng không ngờ phải xếp hàng rồng rắn qua 3- 4 lượt kiểm tra an ninh và làm thủ tục lấy số, dấu vân tay và… chờ. Cuộc phỏng vấn đối với tôi tại cửa số 4 của một nhân viên Lãnh sự quán Mỹ chỉ với 2 câu hỏi về chuyến đi làm việc chưa đầy hai phút đồng hồ, thì tôi đã phải ngồi chờ đến lượt phỏng vấn mất hơn 3 tiếng, một phần do số lượng người đến hẹn phỏng vấn quá đông.
Do thời gian lên đường rất cận kề, các Điều phối viên Dự án JPP, thành viên Ủy ban Hợp tác Quốc tế và Văn phòng của Liên đoàn hối hả trợ giúp các thủ tục, đặc biệt quan trọng là lịch trình làm việc chi tiết từng ngày cuối cùng cũng đã được các đồng nghiệp Hoa Kỳ và Canada xác nhận. Bên cạnh việc tham gia phiên khai mạc trọng thể tại Hội nghị thường niên, cũng như một số hoạt động, phiên thảo luận của Hội nghị, phái đoàn của Liên đoàn Luật sư Việt Nam dự kiến sẽ có những chuyến viếng thăm một số cơ quan Tòa án, Tư pháp, Trường Luật hiện diện tại Chicago và đặc biệt, được Chủ tịch Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ tiếp vào đầu giờ chiều ngày 2/8/2012. Các hoạt động của Đoàn tại Canada gần như đã được bố trí kín đặc cho đến từng giờ.
Bên cạnh chương trình đã được lập trình chi tiết nêu trên, bản thân tôi cũng đã vào trang Web của American Bar Association (ABA) để tìm hiểu thông tin về tổ chức và hoạt động của một tổ chức nghề nghiệp luật sư lớn nhất trên thế giới. Với sự hỗ trợ của bà Jenifer Khor- Đại diện Dự án JPP tại Việt Nam, các thông tin về Đoàn Luật sư Canada cũng đã được chuyển đến từng thành viên trong Đoàn, kể cả việc mua bảo hiểm y tế cơ bản trong thời gian các thành viên ở Mỹ và Canada. Chúng tôi cũng được đề nghị cân nhắc về phạm vi bảo hiểm để có mong muốn mua thêm các chương trình bảo hiểm khác, đặc biệt trong thời gian ở tại Mỹ, bởi vì chi phí y tế tại Mỹ là rất cao nếu có vấn đề gì xảy ra.
Các LS Lưu Tiến Dũng và Nguyễn Thị Quỳnh Anh ở ngoài Hà Nội, tuy khá bận rộn với các lịch hẹn làm việc với khách hàng, đến sát giờ khởi hành mới có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất. Khu vực làm thủ tục nhận vé và gửi hành lý cho cả hai chặng TPHCM- Seoul và Seoul- Chicago khá nhộn nhịp nhưng trật tự. Với sự hỗ trợ của một số nhân viên an ninh tại sân bay được cơ quan đại diện Liên đoàn liên hệ trước nên mọi thứ đều trở nên nhẹ nhàng, suôn sẻ cho đến khi cả Đoàn bước lên chiếc Airbus A 330-300 trên chuyến bay mang ký hiệu KE (Korean Air) 684 khởi hành từ TPHCM đi Seoul vào lúc 23 giờ 35 phút ngày 31/7/2012.
Sau gần năm tiếng, máy bay đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Incheon tại Seoul- Hàn Quốc. Do chênh lệch múi giờ (giờ Việt Nam chậm hơn 2 tiếng), cũng mất gần 5 tiếng chờ đợi trong khu vực của sân bay, tham quan mỏi cả chân trong khuôn viên rộng lớn với các dãy cửa hàng Duty Free Shop, đến 11:45 giờ Seoul, các thành viên trong Đoàn mới bước vào Gate 15 để lên chiếc máy bay Boeing 777 mang ký hiệu KE 037 từ Seoul đi Chicago (Hoa Kỳ) ngày 01/8/2012.
Chuyến bay xuyên qua Đại Tây Dương với hành trình hơn 12 tiếng đồng hồ đã đưa Đoàn đại biểu Liên đoàn Luật sư Việt Nam đến Hoa Kỳ qua cửa ngõ sân bay quốc tế O’Hare(tiếng Anh: O’Hare International Airport) tọa lạc tại Chicago, bang Illinois vào lúc gần 11:00 sáng giờ địa phương. Đại diện của Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ đã cho xe đón tại sân bay và đưa Đoàn về Khách sạn SwissÔtel nằm ở trung tâm Chicago hướng ra hồ Michigan lộng gió. Một ngày vất vả với hành trình qua biển Thái Bình Dương, với tổng cộng 17 tiếng bay trên trời đã trôi qua, với ánh nắng chan hòa của Thành phố được mang biệt danh “Thành phố của gió”, các thành viên Đoàn đại biểu Liên đoàn Luật sư Việt Nam thở phào nhẹ nhõm với sự hanh thông ngay từ đầu của hành trình xuyên vĩ độ qua nửa vòng trái đất…