Tin HĐ Trung tâm, Tin tức, 07/11/2022 30 lượt xem

DỰ ÁN XÂY DỰNG QUẢNG TRƯỜNG CÔNG VIÊN CÂY XANH TẠI HUYỆN HẢI HÀ, QUẢNG NINH: NHIỀU DẤU HIỆU KHUẤT TẤT KHIẾN DƯ LUẬN BẤT BÌNH

Huyện Hải Hà còn rất nhiều khu đất trống để làm Quảng trường công viên cây xanh. Chẳng hiểu vô tình, hay hữu ý, huyện đã chọn phương án “khai tử” ngôi chợ dân sinh Trung tâm Hải Hà có tuổi đời 21 năm duy nhất trên địa bàn để lấy đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng Quảng trường công viên cây xanh. Với mong muốn giữ lại ngôi chợ dân sinh truyền thống – nơi giao lưu văn hóa, trao đổi hàng hóa của các dân tộc anh em sống quanh địa bàn như: Tày, Nùng, Sán Chỉ, Sán Dìu, Cao Lam, Dao, Kinh… Người dân đã phản ánh đến báo nhiều khuất tất liên quan đến dự án.

Mất chợ, cuộc sống của người dân bị xáo trộn

Năm 1992, chợ Trung tâm Hải Hà chính thức đi vào hoạt động theo mô hình quản lý Nhà nước. Đến nay, ngôi chợ dân sinh lớn nhất huyện Hải Hà này không chỉ là nơi cung cấp các nhu yếu phẩm thiết yếu cho cuộc sống, mà còn là nơi giao lưu văn hóa, trao đổi hàng hóa của các dân tộc anh em sống quanh địa bàn như: Tày, Nùng, Sán Chỉ, Sán Dìu, Cao Lam, Dao, Kinh… Chợ sầm uất, đổi thay theo thời gian có phần đóng góp công sức rất lớn của hơn 600 tiểu thương đang kinh doanh tại đây.

Một góc chợ Trung tâm Hải Hà

Nhận ra tiềm năng của ngôi chợ truyền thống này, tại quyết định số 3652 ngày 12/11/2008 của UBND tỉnh Quảng Ninh về phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, huyện Hải Hà đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 đã khẳng định: “Nâng cấp chợ Trung tâm Hải Hà, mở cửa hàng tổng hợp ở các chợ trung tâm cụm xã, bố trí hệ thống cửa hàng đại lý ở các xã, quy hoạch phát triển các chợ nông thôn”. Làm theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh, hàng trăm tiểu thương kinh doanh tại chợ Trung tâm Hải Hà bảo nhau sửa sang lại sạp bán hàng thêm khang trang, mở rộng buôn bán thêm nhiều mặt hàng mới. Trao đổi với PV, ông của ông Kim Văn Chiến- Phó Chủ tịch UBND Hải Hà khẳng định: Chợ dân sinh Trung tâm Hải Hà cung cấp hàng hoá thiết yếu cho cuộc sống của người dân trong huyện, đáp ứng nhu cầu dân sinh của người dân. Theo ghi nhận của PV, ngôi chợ huyện truyền thống này vẫn còn nghèo nàn, hàng hoá chủ yếu là buôn thúng, bán mẹt, mớ rau, con cá. Các phiên chợ ngày chủ nhật, nhiều bà con các dân tộc quanh vùng mang sản vật xuống chợ bán, mua đồ dùng thiết yếu cho gia đình, làm nên nét đẹp văn hóa đẹp của miền quê nghèo Hải Hà.

Nhiều người dân và tiểu thương ở đây cho biết, sự bình yêu của ngôi chợ Trung tâm Hải Hà bắt đầu bị xáo trộn, kể từ khi có một doanh nghiệp xây dựng ngôi chợ mới khang trang giống như trung tâm thương mại ở cách đó không xa. Đến ngày 8/6/2012, Ban quản lý chợ mời bà con tỉêu thương đến tầng 2 chợ Trung tâm Hải Hà mới để bàn phương án chuyển chợ cũ sang chợ mới. Nhận thấy sang chợ mới gặp nhiều khó khăn như: không phù hợp với kiểu kinh doanh nhỏ lẻ buôn thúng, bán mẹt, tiền mua ki ốt, nhiều khoản lệ phí khi vào chợ… Chính vì quyền lợi chưa được đảm bảo, hơn 600 tiểu thương đều không muốn sang chợ mới. Trao đổi với PV, bà Trịnh Phúc Lộc nói cay đắng: Chợ mới trung tâm Hải Hà thực chất là trung tâm thương mại, không phù hợp cho những tiểu thương bán hàng nhu yếu phẩm thiết yếu ở chợ dân sinh vào đây buôn bán. Tại sao chính quyền huyện Hải Hà không cho hai chợ tồn tại song song, lại triệt tiêu chợ cũ truyền thống, “lùa” chúng tôi vào bán hàng tại chợ mới có giá thuê ki ốt cao gấp nhiều lần chợ cũ, điều kiện kinh doanh không phù hợp, lại ở xa khu dân cư.

Cùng tâm trạng lo lắng, tiểu thương Nguyễn Thị Liễu cho rằng: “Chợ mới Trung tâm Hải Hà và chợ dân sinh cũ có mục đích kinh doanh khác nhau (một đằng làm ăn lớn kinh doanh thương mại, một đằng đa phần là tiểu thương mua bán nhỏ lẻ). Chuyển những người bán mớ rau, con cá vào trung tâm thương mại, khác nào đẩy tiểu thương chúng tôi vào chỗ chết…!?”.

Không chỉ các tiêu thương mong muốn hai chợ tồn tại song song, theo ghi nhận của PV, phần lớn người dân sống trong huyện Hải Hà, đặc biệt là các đảng viên lão thành bày tỏ quan điểm giữ lại chợ cũ. Vì chợ không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu dân sinh, mà còn là nét văn hoá truyền thống, nơi giao lưu văn hoá của các dân tộc quanh vùng. Người dân cho rằng, huyện Hải Hà đang ngày càng thay da, đổi thịt, rất cần có thêm nhiều chợ phục vụ nhu cầu của người dân.

Các tiểu thương bức xúc phản ánh với PV

Tiểu thương “chết đứng” vì quy hoạch “quá hiểm”

Trong lúc chưa có lý do chính đáng để đưa hơn 600 tiểu thương bán hàng tại chợ cũ vào chợ mới, UBND huyện Hải Hà âm thầm làm quy hoạch trình lên UBND tỉnh Quảng Ninh. Theo lời ông Kim Văn Chiến nói với PV, ngày 17/6/2013, UBND tỉnh Quảng Ninh ra quyết định 1513, phê duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 thị trấn Quảng Hà, huyện Hải Hà giai đoạn 2013- 2020. Theo đó, quy hoạch khu đất chợ trung tâm Hải Hà cũ thực hiện dự án đầu tư xây dựng Quảng trường công viên cây xanh. Nghe thông tin sốc này, hơn 600 tiểu thương dường như “chết đứng”. Còn người dân bị mất chợ truyền thống dân sinh lo lắng, thắc mắc: “Vì sao huyện Hải Hà chọn khu đất chợ dân sinh làm dự án quảng trường công viên cây xanh, trong khi trên địa bàn có rất nhiều khu đất trống phù hợp lại không làm? Một bác có hơn 50 năm tuổi đảng (xin được giấu tên) tỏ ra tiếc nuối khi biết chợ trung tâm Hải Hảo sắp bị chính quyền “khai tử”: “Huyện bỏ chợ dân sinh, tôi thấy đây là một điều rất đáng buồn cho nhiều người dân sinh sống tại huyện Hải Hà, ít nhiều gây mất niềm tin của người dân vào chính quyền cơ sở”.

Làm việc với PV, ông Phó Chủ tịch huyện Hải Hà KimVăn Chiến không thể giải thích được câu hỏi vì sao huyện lại chọn đất chợ cũ làm dự án. Ông Chiến đẩy trách nhiệm sang UBND tỉnh Quảng Ninh và cho biết huyện căn cứ vào quyết định phê duyệt của tỉnh để thực hiện dự án này. Bất chấp sự phản ứng có tình có lý của người dân và hơn 600 tiểu thương kinh doanh tại chợ cũ, chính quyền huyện Hải Hà sẵn có “bảo bối” trong tay, quyết tâm làm đến cùng kết hoạch đã vạch ra. Vậy là, 600 tiểu thương bị đẩy ra khỏi chợ cũ một cách “quanh minh chính đại”. Kéo theo đó, nhiều gian ki ốt trống tại chợ mới có cơ hội được lấp đầy? Ma ăn cỗ ở đâu? Đố ai biết được. Chỉ biết rằng dư luận đang nghi ngờ rằng ở đây có chuyện đặt lợi ích nhóm lên trên lợi ích của người dân và tập thể?

Theo quan sát của PV, chợ Trung tâm Hải Hà có bốn mặt tiền nhìn ra đường Nguyễn Du, Chu Văn An, Trần Bình Trọng. Ngay sát cạnh chợ dân sinh này có rất nhiều nhà cao tầng đã được cấp sổ đỏ và một trung tâm y tế. Không biết những ngôi nhà này có nằm trong diện giải phóng mặt bằng hay không? Nếu có, Nhà nước sẽ phải tiêu tốn một khoản tiền rất lớn cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.

Được biết, sau ngày 26/6/2014, UBND huyện thực hiện công tác giải phóng mặt bằng khu chợ cũ và khởi công dự án đầu tư xây dựng Quảng trường công viên cây xanh. Trên báo Quảng Ninh điện tử thứ sau, ngày 13/6 có bài “chuyển chợ Trung tâm Hải Hải: Quyết tâm của cả hệ thống chính trị huyện Hải Hà”. Bài báo có đoạn: “Đồng chí Bí thư Huyện uỷ (Trần Văn Lâm- PV) yêu cầu cấp uỷ nào có cán bộ, đảng viên, công chức chưa tuyên truyền, vận động được người thân của mình đồng thuận với chủ trương chuyển chợ thì tạm thời cho các đồng chí cán bộ đó nghỉ công việc để có thời gian tuyên truyền, vận động người thân của mình”. Thông tin này gây bất bình dư luận trong những ngày qua.

Được biết, Trung tâm Tư vấn Pháp luật (Liên đoàn Luật sư Việt Nam) đã vào cuộc và có công văn gửi đến Ban Thường tỉnh ủy Quảng Ninh, đề nghị tạm dừng việc cưỡng chế để lắng nghe tiếng nói của người dân. Theo dư luận đánh giá, nếu huyện Hải Hà quyết tâm phá chợ cũ để xây quảng trường, công viên, Nhà nước sẽ tiêu tốn rất nhiều tiền cho việc đền bù, giải phóng mặt bằng, hơn 600 gia đình tiểu thương phải đối mặt với cảnh thất nghiệp vì có ý định đến chợ mới kinh doanh. Kéo theo đó, hàng tháng Nhà nước bị thất thu một khoản tiền thuế không nhỏ.

Theo ĐS&PL

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • Trang chủ
  • Phone
  • Mail
  • Messenger
  • Zalo