Thông qua hoạt động Phiên tòa giả định xét xử thiếu niên gây rối trật tự công cộng, trường THCS Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội) đã tuyên truyền phổ biến giáo dục, nâng cao nhận thức về pháp luật cho học sinh.
Ngày 25/11, tại trường THCS Xuân Đỉnh, Trung tâm Tư vấn pháp luật, Liên đoàn Luật sư Việt Nam phối hợp cùng nhà trường tổ chức chương trình tuyên truyền pháp luật cho các bạn học sinh thông qua “Phiên tòa giả định” với chuyên đề “Phòng chống tội phạm liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội”. Đây là hình thức truyền thông hữu ích bởi những phiên tòa giả định mang tính trực quan, không chỉ phản ánh những hành vi phạm tội, các quy định pháp luật nghiêm cấm và mức án được áp dụng, mà còn giúp học sinh hiểu rõ hơn hoạt động của những người “cầm cân nẩy mực”, giúp người xem biết được ranh giới giữa cái đúng và cái sai, tính nghiêm minh của pháp luật và tính “hướng thiện” trong chính sách hình sự của nước ta đối với những người đã phạm tội thông qua mức án được tuyên xử.
Luật sư Lê Cao Long – Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật – Liên đoàn Luật sư Việt Nam chia sẻ: “Việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh, đặc biệt là học sinh THCS là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, tích cực phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trong và ngoài trường học.
Xác định ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và đối với đối tượng là học sinh nói riêng, Trung tâm tư vấn pháp luật Việt Nam phối hợp cùng trường THCS Xuân Đỉnh triển khai chương trình trợ giúp pháp lý, tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật cho người chưa thành niên, mang lại ý nghĩa thiết thực, đóng góp cho cộng đồng”.
Nội dung Phiên tòa giả định dựa trên vụ án có thật với các thông tin đã được mã hóa. Câu chuyện tình cảm không cân bằng trong tình yêu tuổi học trò trên học đường giữa Nguyễn Việt và Mai Huệ với các mối quan hệ không rõ ràng trong xã hội, các đối tượng thông qua mạng xã hội cãi nhau, thoả mãn cái tôi ở tuổi mới lớn, lứa tuổi tâm sinh lý chưa phát triển đầy đủ, thể thất chưa hoàn thiện, thể hiện quyền chiếm hữu tình cảm, dẫn đến việc nhắn tin trên mạng xã hội, sau đó hẹn gặp nhau trực tiếp để giải quyết mâu thuẫn, may mắn là được các cơ quan chức năng ngăn chặn kịp thời, nên không ai bị thiệt hại về sức khoẻ và tính mạng.
Phiên tòa giả định xét xử các bị cáo theo Điều 318 Bộ luật hình sự về tội “Gây rối trật tự công cộng”. Các vai diễn do các luật sư Trung tâm tư vấn pháp luật, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, sinh viên luật và học sinh trường THCS Xuân Đỉnh thực hiện. Các bước xét xử diễn ra như một phiên tòa thật gồm: Thủ tục bắt đầu phiên tòa, Tranh tụng, Nghị án và tuyên án.
Sau khi phiên tòa giả định kết thúc, mỗi bạn học sinh đều có cho mình những kiến thức nhất định về pháp luật. Bạn Nguyễn Việt Hưng (lớp 8A11) chia sẻ: “Em đã được tham gia một phiên tòa rất thiết thực và bổ ích. Phiên tòa chân thực và khách quan như những phiên tòa mà em đã biết. Em đã có thêm những kiến thức pháp luật, cách tòa xử án và bào chữa của luật sư sau Phiên tòa giả định này. Em sẽ dùng những kiến thức mình tiếp nhận ngày hôm nay để chia sẻ tới các bạn của mình, bên cạnh đó là tìm hiểu thêm các quy định của pháp luật với các vấn đề mà chúng em hay vi phạm”.
Với bạn Lưu Thu Giang (lớp 7A15), chủ đề Phiên tòa giả định gần gũi và cần thiết với học sinh. Bạn đã tập trung và theo dõi hết phiên tòa vì các kiến thức mà phiên tòa cung cấp cho lứa tuổi học trò rất quan trọng, kiến thức này giúp Thu Giang cùng các bạn có thể điều chỉnh hành vi của mình để không xảy ra các trường hợp vi phạm đáng tiếc như trên. Cô bạn mong muốn nhà trường sẽ tiếp tục tổ chức thêm các phiên tòa giả định với các chủ đề bổ ích khác để học sinh có thêm những kiến thức về pháp luật.
Nhà giáo Nguyễn Quỳnh Anh – Phó Hiệu trưởng trường THCS Xuân Đỉnh cho biết, ngày 19/11 hàng năm là Ngày Pháp luật Việt Nam. Đây là thời gian để tôn vinh hiến pháp, pháp luật, ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội, trở thành một sự kiện chính trị quan trọng. Nhà trường hưởng ứng bằng hành động cụ thể là tổ chức giáo dục pháp luật cho học sinh; chung tay thực hiện hiến pháp, đưa pháp luật đi vào đời sống.
“Thông qua hoạt động giáo dục pháp luật trong nhà trường, mỗi thầy giáo, cô giáo, cán bộ, học sinh sẽ chủ động hơn trong việc nghiên cứu pháp luật; thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, quy chế của cơ quan, của trường học. Các thầy cô phải là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo. Đồng thời, nâng cao công tác phổ biến giáo dục trong nhà trường, cung cấp những kiến thức cơ bản về pháp luật cho học sinh từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tạo nên nền tảng cơ sở cho học sinh khi ra trường là những người công dân tốt“, cô Quỳnh Anh nhấn mạnh.
Ngay sau chương trình, trường THCS Xuân Đỉnh đã yêu cầu học sinh tìm hiểu các quy định về luật tại phiên tòa giả định. Nhà trường sẽ kiểm tra kiến thức của các bạn và trao quà cho các bạn vào hoạt động sinh hoạt dưới cờ trong tuần tới.