ĐI MỘT NGÀY ĐÀNG…
*
Luật sư PHAN TRUNG HOÀI
(Gửi về từ Vancouver, British Columbia, Canada)
Kỳ IX: VỊ CHỦ TỊCH VÀ SỰ VẬN HÀNH CỦA ĐOÀN LUẬT SƯ CANADA QUA SỰ KIỆN HỘI NGHỊ THƯỜNG NIÊN
Không biết có phải luôn mong muốn sự đổi mới hay không, nhưng ở Canada, nhiệm kỳ của Chủ tịch CBA (The Canadian Bar Assocition) chỉ có một năm. Bên cạnh sự tiếp đón thân thiện, gần gũi của bà Trinda L. Ernst, Chủ tịch CBA đương nhiệm trong suốt các hoạt động của Đoàn, thì việc tiếp xúc với ông Robert C. Brun- Chủ tịch được bầu nhiệm kỳ mới là một cơ hội trao đổi và đặt vấn đề tăng cường quan hệ hợp tác giữa Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Đoàn Luật sư Canada.
Thật bất ngờ, Văn phòng luật sư Harris & Brun đặt tại số 500-555 đường Georgia của ông chỉ là một Văn phòng nhỏ với 7 luật sư cộng sự và 25 trợ lý, thư ký, hoạt động chuyên sâu trong lĩnh vực bảo hiểm và tranh tụng tại Tòa án các cấp. Dẫn chúng tôi đi giới thiệu từng luật sư đang làm việc tại đây, chỉ một chồng hồ sơ Văn phòng đang chuẩn bị nhằm bảo vệ khách hàng tại phiên tòa của Tòa án tối cao, ông nói 95% số vụ việc mà ông đảm nhiệm đều được hòa giải thành. Đây là một trong đặc điểm lớn của tố tụng tư pháp các nước thuộc hệ thống common law, đặt trọng tâm việc đàm phán, hòa giải, bởi theo ông nếu phải đưa ra xét xử thì sẽ rất phức tạp, kéo dài, tốn kém. Ông cũng cho biết có đến 2/3 số lượng tổ chức hành nghề luật sư ở Canada có quy mô vừa và nhỏ, nhưng hoạt động rất hiệu quả. Với cương vị luật sư, ông đã đi nhiều nơi, kể cả những nước nghèo, mới phát triển, để lại cho ông nhiều trăn trở về trách nhiệm nghề nghiệp của luật sư. Khi được hỏi ông có suy nghĩ gì khi chuẩn bị đảm nhiệm cương vị mới, luật sư Robert C. Brun nói: “Tôi đã có 33 năm hành nghề tranh tụng và không phải tự nhiên có được thành công ngày hôm nay. Bây giờ là lúc tôi có cơ hội trả lại những gì mà nghề luật sư đã mang lại cho tôi…”. Chia tay ông, tôi hình dung con người và suy nghĩ của một vị Chủ tịch CBA đều toát lên tinh thần tận hiến cho sự phát triển của nghề nghiệp và còn gặp lại ông trong buổi Lễ khai mạc Hội nghị thường niên thật sự ấn tượng.
Cuộc gặp với ông Chủ tịch CBA mới được bầu
Bên cạnh buổi làm việc khá hấp dẫn về đề tài thiết lập dự án giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án thông qua mạng Internet tại Bộ Tư pháp có sự tham gia của ông Darin Thompson, một chuyên gia hàng đầu về cải cách pháp luật, đầu giờ chiều ngày 10/8/2012, Đoàn chúng tôi đã dự khán cuộc họp của Ban Thường vụ CBA (Bord of Directors). Tại đây, sau phần giới thiệu trọng thị của ông John D.V. Hoyles là Tổng giám đốc điều hành, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Lê Thúc Anh đã có bài phát biểu ngắn gọn, cám ơn sự quan tâm và hỗ trợ của CBA đối với một số hoạt động của Liên đoàn Luật sư Việt Nam thời gian qua. Luật sư Lê Thúc Anh cũng nêu lên một số kết quả sau hơn ba năm thành lập của Liên đoàn trong việc tạo lập và nâng cao vị thế của đội ngũ luật sư Việt Nam trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền và thực hiện chủ trương cải cách tư pháp, đồng thời hy vọng mối quan hệ hợp tác giữa hai tổ chức nghề nghiệp luật sư của hai nước ngày càng phát triển.
Luật sư Lê Thúc Anh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với Chánh án Tòa án tối cao Canada
Các thành viên trong Đoàn chụp ảnh lưu niệm với Chánh án Tòa án tối cao Canada
Cũng trong buổi chiều cùng ngày, chúng tôi còn có các cuộc gặp và trao đổi với những nhân vật chủ chốt của CBA như ông Stephan Hanson- Giám đốc truyền thông có một lịch sử lẫy lừng với 36 năm tận hiến cho CBA và được tôn vinh trang trọng trong phiên họp Hội đồng CBA; bà Tamra Thompson- một nữ luật sư nhỏ bé nhưng điều hành toàn bộ các hoạt động liên quan đến Hội nghị thường niên; bà Shela Redel- Chủ nhiệm Ủy ban phát triển nghề nghiệp CBA… Các hoạt động của các Ủy ban chuyên môn của CBA đóng một vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện pháp luật, góp phần vào tiến trình cải cách tư pháp ở Canada, chú trọng đến việc phát triển và nâng cao chất lượng, kỹ năng hành nghề cho các luật sư. Với hơn 30 tiểu ban về những lĩnh vực pháp luật khác nhau, CBA quan tâm đến tất cả sự phát triển của hệ thống pháp luật Canada, nhất là đóng góp vào quá trình soạn thảo và trình dự án luật ra Nghị viện. Riêng năm 2011, CBA đã trình tới 80 văn bản góp ý cho các dự án luật, nhất là những dự án liên quan trực tiếp đến môi trường và quyền lợi trong quá trình hành nghề của luật sư. Khi được hỏi về cách thức giải quyết các yêu cầu bảo vệ quyền lợi của luật sư, bà Tamra chia sẻ kinh nghiệm ở chỗ, tổ chức nghề nghiệp luật sư cần đặt trọng tâm đến việc kiến tạo môi trường pháp lý cho việc hành nghề luật sư, chứ không phải sa vào giải quyết từng vụ việc cụ thể. Riêng ông Stephan Hanson- người được gọi là “Mr. CBA” đã từng sang làm việc tại Việt Nam đã đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công tác truyền thông, thông qua đó nâng cao hình ảnh và giá trị nghề nghiệp luật sư. Các thành viên trong Đoàn cũng đã có các cuộc thảo luận chi tiết với ông Hugh Robertson và ông Sean K. Kelly về nội dung và chương trình đào tạo kỹ năng chuyên sâu cho các luật sư, có cuộc gặp gỡ thân tình với các thành viên Ủy ban Hợp tác quốc tế CBA…
Chính sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung và báo các của các Ủy ban, nên trong phiên họp Hội đồng toàn thể thành viên CBA được tổ chức vào sáng 11/8/2102 đã diễn ra hết sức ngắn gọn, dành phần lớn thời gian cho việc tôn vinh sự cống hiến của ông Stephan Hanson, còn lại các báo cáo của từng Ủy ban chỉ trình bày trong vòng 2 đến 3 phút. Cũng như ở Việt Nam, vấn đề phí thành viên CBA dành được sự quan tâm, gây nhiều tranh luận trong cộng đồng thành viên, nên trong kỳ họp này, việc biểu quyết thông qua được mức phí thành viên mới được coi là một thành công của Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị toàn thể CBA vào sáng 11/8/2012
Sự kiện được trông đợi nhất là Lễ khai mạc Hội nghị thường niên CBA 2012 được tổ chức trọng thể tại Ballroom C Vancouver Convention East vào sáng ngày 12/8/2012, với sự hiện diện của gần 3.500 thành viên và có mặt của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Chánh án Tòa án tối cao Canada. Một không khí hội hè, ấm áp tình cảm nghề nghiệp tràn ngập khán phòng rộng lớn. Sau phần giới thiệu của bà Chủ tịch CBA đương nhiệm, bài phát biểu của bà Beverley McLachlin, người đảm nhận chức vụ Chánh án Tòa án tối cao từ năm 2000, gây sự chú ý đặc biệt. Mặc dù là một nước có nghề luật phát triển trên một trăm năm, nhưng hệ thống pháp luật của Canada cũng đang đối diện với nguy cơ giảm sút sự tin cậy của công chúng. Bà nói việc tăng khả năng tiếp cận công lý của người dân là nền tảng cho các quy định của pháp luật và nếu mọi người nhận thức họ không thể có được công lý, họ sẽ có ít sự tôn trọng đối với pháp luật. Nhân dịp này, bà Chánh án Tòa án tối cao cũng đã nhấn mạnh đến vai trò đặc biệt quan trọng của CBA trong việc đảm bảo độc lập xét xử đồng thời nhấn mạnh đến sự phối hợp của các thiết chế tư pháp. “Không có ai để giải quyết một mình”, bà nói: “Mọi người đều có thể làm việc cùng nhau”.
Toàn cảnh buổi Lễ khai mạc Hội nghị thường niên và bài phát biểu của Chánh án Tòa án tối cao Canada
Buổi lễ khai mạc hóa ra lại đặt trọng tâm và mất hơn 01 giờ đồng hồ với sự xuất hiện và bài phát biểu hùng biện của Jimmy Wales, ông chủ của hệ thống truy cập Wikipedia nổi tiếng toàn cầu, với đề tài “dân chủ và internet”, qua đó cung cấp một diện mạo các vấn đề mà mỗi quốc gia quan tâm khi truy cập vào mạng này.
Cho đến tận buổi sáng thứ hai ngày 13/8/2012 chỉ trước giờ ra sân bay ít giờ, Đoàn công tác còn tham dự vào một hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong cách thức tổ chức các sự kiện liên quan đến hoạt động của CBA. Ông Rob Nicholson, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Canada- người có bằng cử nhân nghệ thuật từ trường Đại học Queen và bằng pháp luật từ Đại học Windsor- đã có một bài phát biểu ngắn gọn trước đông đảo thành viên CBA và các luật sư đến từ các nước trên thế giới. Cũng như bà Chánh án, ông Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh nhiều đến thách thức của hệ thống tư pháp nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp cận công lý của người dân, đặc biệt là thanh niên và trẻ em, thông tin về các biện pháp nhanh nhạy và mạnh mẽ của Chính phủ trong việc đấu tranh chống tội phạm, đặc biệt là các nạn nhân của bạo hành gia đình và xâm hại tình dục. Các luật sư đã đặt nhiều câu hỏi, trong đó có câu là những vấn đề cải cách pháp luật hình sự mà ông Bộ trưởng nêu hôm nay cũng là những vấn đề đã nêu trong Hội nghị thường niên năm ngoái, đã được ông Bộ trưởng trả lời, tập trung giải pháp Chính phủ cần tăng ngân sách cho việc trợ giúp pháp lý cho người dân…
Vậy là hơn hai tuần hành trình từ Chicago sang Vancouver, gần như không có một ngày trống trải cho việc thăm thú, cuối cùng thì gần sát giờ, các thành viên trong Đoàn rời khỏi phòng họp của ông Bộ trưởng Tư pháp để hối hả chuẩn bị khởi hành ra sân bay trở về Việt Nam qua ngả Seoul. Biết bao tâm trạng và suy nghĩ ngổn ngang chưa được đúc rút và nhận diện ngay lập tức, hy vọng trên chuyến bay xuyên đại dương qua nửa vòng trái đất, tôi lại có những thời khắc để nghĩ suy, về những gì đã trải nghiệm những ngày qua…
(Kỳ X: Về nhà…)
Luật sư PHAN TRUNG HOÀI
(Viết trên chuyến bay từ Vancouver về Seoul)
Kỳ X: VỀ NHÀ…
Như một đặc ân của chuyến đi, những ngày ở Vancouver thời tiết tuyệt đẹp, nắng vàng rực rỡ, nhiệt độ trung bình ở mức 17 đến 23 độ C, khiến các thành viên trong Đoàn vượt qua được áp lực căng thẳng của lịch trình làm việc được tính bằng phút, bằng giờ. Ngay cả khi Đoàn đã ra sân bay quốc tế Vancouver để làm thủ tục cho chuyến bay khởi hành vào lúc 2:35 PM giờ địa phương đi Seoul, thì một cuộc họp trao đổi ngắn giữa các thành viên trong Đoàn với bà Robin Sully- thành viên Ủy ban hợp tác quốc tế của CBA cũng được tổ chức ngay tại sân bay. Những chia sẻ và cảm nhận, thu hoạch được từ chuyến đi đã được bày tỏ, kể cả những việc cần quan tâm và triển khai trong một lộ trình phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam để có thể nâng cao vị thế của Liên đoàn Luật sư Việt Nam không chỉ trong sự tin cậy của người dân và chính quyền, mà còn phải gần gũi với những quyền lợi sát sườn của các luật sư thành viên.
Buổi đối thoại giữa Bộ trưởng Bộ Tư pháp Canada với các luật sư thành viên CBA và quốc tế sáng 13/8/2012
Do chuyến bay KE72 của Hãng hàng không Korean Air phải bay qua biển Thái Bình Dương với sự thay đổi rõ rệt về múi giờ, nên tuy hé cửa sổ nhìn ra bên ngoài thì trời sáng, nhưng khi tất cả được đóng lại, tắt đèn bên trong khoang máy bay, lữ khách mệt mỏi chìm vào giấc ngủ. Còn tôi, vẫn thao thức một mình bên máy tính, những con chữ chạy đuổi theo cảm xúc, nghĩ về những ngày trải nghiệm vừa qua. Chuyến đi tuy căng thẳng, liên quan đến hoạt động đối ngoại của Liên đoàn đòi hỏi phải giữ gìn chuẩn mực giao tiếp, nhưng các nội dung trao đổi, thảo luận đều thẳng thắn, mang tính đối thoại hai chiều. Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã đánh giá một số kết quả đạt được của chuyến đi, trong đó ghi nhận sự nỗ lực và chuẩn bị chu đáo của Ủy ban Hợp tác Quốc tế và Văn phòng Liên đoàn (cùng cơ quan đại diện phía Nam). Đại diện Đoàn công tác cũng tham gia vào hoạt động chuyên môn bên lề Hội nghị thường niên CBA. Ngay trước ngày kết thúc chuyến đi, Luật sư Lưu Tiến Dũng đã có bài phát biểu về “Tác động của thương mại đối với việc xây dựng nền pháp quyền ở Việt Nam” và tham gia chủ trì tại Hội thảo quốc tế về “Thương mại và sự phát triển của nền pháp quyền”. Luật sư Lưu Tiến Dũng chia sẻ và phân tích về sự ảnh hưởng của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đối với việc minh bạch hóa chính sách, pháp luật và việc thực thi pháp luật tại Việt Nam và những thành tựu đáng kể của Việt Nam đã đạt được trong việc xây dựng hệ thống pháp luật có sự tham gia góp ý kiến rộng rãi của công chúng, mang tính tiên liệu và minh bạch hơn”.
Luật sư Lưu Tiến Dũng tham gia đồng chủ trì “Thương mại và sự phát triển của nền pháp quyền”
Các thành viên trong Đoàn đã xúc động chia tay bà Robin Sully và cô Jennifer Khor, những người đã gắn bó, chu toàn trong những ngày làm việc tại Vancouver. Bà Robin nói trước khi chia tay là nhiều thành viên trong Hội đồng lãnh đạo CBA rất tự hào, ghi nhận sự đóng góp và để lại những ấn tượng tốt đẹp của Đoàn công tác Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong việc tham gia các hoạt động chính và bên lề Hội nghị thường niên CBA năm 2012.
Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Lê Thúc Anh trả lời phỏng vấn cơ quan truyền thông CBA ngay sau khi kết thúc chuyến đi tham dự Hội nghị thường niên năm 2012 của CBA
Ngồi trên máy bay, tôi nhớ lại những hình ảnh về đêm hội của các thành viên CBA được tổ chức vào đêm 12/8/2012 trên đỉnh núi Grouse nổi tiếng vùng Bắc Vancouver cao hơn mực nước biển khoảng 1.200 m, chính là cơ hội được hít thở bầu không khí mát lạnh tràn ngập trên những rặng thông nhấp nhô lấp lánh ánh hoàng hôn. Từ trên đỉnh núi nơi những người yêu thích môn tuyết có thể mạo hiểm phóng xuống khi mùa đông đến, tôi nhìn bao quát và nhận diện được Vancouver nhỏ bé nằm bên một dòng sông cực đẹp dẫn ra biển Thái Bình Dương. Ngồi trên cáp treo, tôi có điều kiện ghi lại hình ảnh những tia nắng mặt trời cuối ngày khuất dần sau rặng núi phía xa xa, thấy cửa biển mở ra một khoảng không gian phủ đầy sương khói, lòng rưng rưng nhớ về dải đất hình chữ S thân thương với bao cảm xúc như thể mình đã xa nhà lâu lắm rồi. Với tư cách là một thành viên trong Đoàn, tôi nghĩ đó cũng là một khoảng lặng cần thiết để nâng tầm hiểu biết của mình trong một thế giới phẳng, với những thách thức như nhau trong sự phát triển đối với nghề luật sư. Muôn dặm dường xa, những giây phút được hòa mình với thiên nhiên như thế này chỉ là khoảnh khắc hiếm có trong cuộc đời, vì chỉ ít giờ sau khi về đến nhà, tôi biết mình lại tất bật, ngược xuôi với những bức xúc, lo toan của khách hàng.
Hoàng hôn trên đỉnh Grouse Mountain vùng Vancouver
Trên thực tế, không thể phủ nhận nghề luật sư ở Việt Nam đang có cơ hội phát triển với những cải thiện rõ rệt bước đầu trong môi trường pháp lý, vị thế và vai trò của luật sư trong đời sống và trong hoạt động tư pháp ngày càng được tôn trọng và nâng cao như thời điểm hiện nay. Nhìn ra bên ngoài, từ các nước có cùng mức độ phát triển trong khu vực, xa hơn là châu Á, châu Âu và nay là các nước vùng Bắc Mỹ, tuy khoảng cách có sự chênh lệch khá lớn cả về tầm vóc và quy mô, tố chất nội lực của từng thành viên, nhưng tôi hiểu những thách thức trước nhu cầu đóng góp cho sự phát triển của nền tư pháp công bằng, gần gũi và thuận tiện cho người dân trong việc tiếp cận công lý thì ở đâu cũng như nhau. Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã nhấn mạnh đến tổ chức và hoạt động mang tính chuyên nghiệp và có mức độ phát triển nghề nghiệp rất cao của Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ (ABA) và Đoàn Luật sư Canada (CBA). Tôi hiểu họ không còn bàn nhiều đến những cản ngại trong hành nghề luật sư, mà chú tâm phát triển đến việc duy trì tinh thần và giữ gìn những giá trị nghề nghiệp như một vật báu, trong đó có tình tương thân, tương ái của đồng nghiệp, quan tâm đến quyền lợi thiết thực của các thành viên, coi thành viên là trung tâm của toàn bộ hoạt động quản lý và điều hành của những người lãnh đạo. Và cũng có rất nhiều điều có thể học hỏi được từ cách tiếp cận trong cấu trúc và tầm nhìn của tổ chức xã hội- nghề nghiệp luật sư, việc chú tâm đến công tác phát triển nghề nghiệp và tư cách thành viên, định hướng và các biện pháp thiết thực, hiệu quả trong hoạt động đào tạo bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng và đạo đức, ứng xử nghề nghiệp, cũng như khả năng huy động các nguồn lực tài chính phục vụ cho các hoạt động mang tính tự quản của Liên đoàn.
Tuy nhiên, qua trao đổi, tâm sự từ kết quả chuyến đi, các thành viên trong Đoàn đều nhận thức và hiểu được, mỗi mô hình, cấu trúc và hoạt động của tổ chức xã hội- nghề nghiệp luật sư Hoa Kỳ và Canada có sự khác biệt lớn so với Việt Nam, do hoàn cảnh và chiều dài lịch sử phát triển nghề nghiệp. Không phải tất cả những gì mình thấy là ưu việt, thuận tiện thì đều có thể bê nguyên xi hoặc áp dụng được ngay, mà cần phải có một cách tiếp cận phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể ở Việt Nam. Điều quan trọng là cần xác định những hướng trọng tâm trong việc cải thiện tổ chức và hoạt động các Ủy ban, bộ phận chuyên môn, lộ trình trước mắt và lâu dài nhằm tạo lập những giá trị nghề nghiệp cần được tôn vinh, hướng đến thực hiện được chức năng xã hội của luật sư, được sự tin cậy từ phía chính quyền và nhất là các tổ chức, cá nhân- những đối tượng chính mà luật sư phục vụ cung cấp dịch vụ pháp lý…
Phía trước là chặng bay 12 tiếng từ Vancouver đến Seoul, sau khi transit khoảng 1 tiếng đồng hồ, Đoàn sẽ tiếp tục lên chuyến bay KE 683 bay hơn 4 tiếng từ Seuol về TP Hồ Chí Minh dự kiến vào lúc 22 giờ đêm ngày 14/8/2012. Từ trên cao, tôi hình dung Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ về đêm, cảm nhận sự ấm áp trong cuộc sống ngày càng đi lên và những kỳ vọng về sự phát triển nghề nghiệp luật sư của đất nước mình…
Ảnh chụp TP Hồ Chí Minh về đêm
(Trụ sở Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh- Ảnh: Wikipedia tiếng Việt)
Hoàng Giang